Trung Quốc là một quốc gia lớn trên thế giới, có bề dày truyền thống lịch sử và văn hóa, với nền văn minh Trung Hoa là một trong những nền văn minh phát triển rực rỡ nhất thế giới cổ trung đại. Đây là quốc gia có diện tích lục địa lớn thứ tư trên thế giới chỉ sau Liên bang Nga, Canada và Mỹ.
Đến tháng 9/2019, Trung Quốc đã có quan hệ ngoại giao với 180 nước (kể cả Palestine, quần đảo Cook và Niue). Chính sách ngoại giao của Trung Quốc là “5 nguyên tắc cùng tồn tại hòa bình” có từ thời Thủ tướng Chu Ân Lai. Tuy nhiên, trong hơn 70 năm qua (1949-2020), đường lối và chính sách ngoại giao của Trung Quốc không hoàn toàn tuân thủ theo nguyên tắc đó, nhất là trong quan hệ biên giới – lãnh thổ với các quốc gia láng giềng. Ngoài tuyên bố chủ quyền với Đài Loan, Trung Quốc liên tục gây ra những vấn đề về biên giới, lãnh hải với hầu như tất cả các nước láng giềng. Một số tranh chấp đã phát triển thành những xung đột vũ trang.
Vì vậy, nghiên cứu về Quan hệ biên giới trên đất liền giữa Trung Quốc với các quốc gia láng giềng không chỉ đơn thuần mang ý nghĩa khoa học, mà còn thông qua đó, góp phần làm rõ hơn về chính sách và hành động của chính quyền Bắc Kinh trong quan hệ biên giới – lãnh thổ với các nước láng giềng. Các nghiên cứu và công bố về vấn đề này sẽ là một đóng góp về mặt sử học trong cuộc đấu tranh vì hòa bình hữu nghị tại các khu vực biên giới trên bộ và trên biển giữa các quốc gia trên thế giới và khu vực nói chung, giữa Trung Quốc và Việt Nam nói riêng.
Đối tượng nghiên cứu chủ yếu của công trình này là: Chính sách biên giới và quan hệ biên giới trên đất liền giữa Trung Quốc với các quốc gia láng giềng. Phạm vi nghiên cứu về thời gian của công trình này là từ khi Cộng hòa nhân dân Trung Hoa ra đời (1/10/1949) đến nay. Tuy nhiên cũng không thể không đề cập tới những vấn đề trong những giai đoan lịch sử khác nhau trước và sau đó. Mặt khác, do những hạn chế về thời gian thực hiện, công trình nghiên cứu này chỉ tập trung nghiên cứu vào những vấn đề chủ yếu của chính sách và quan hệ biên giới trên đất liền giữa Trung Quốc với các quốc gia láng giềng. Vấn đề về lãnh hải, biên giới trên biển sẽ được nghiên cứu vào một thời điểm khác và trong một đề tài nghiên cứu khác.
Nội dung của công trình nghiên cứu về chính sách biên giới, lãnh thổ và thực trạng quan hệ biên giới, lãnh thổ trên đất liền giữa Trung Quốc với các quốc gia láng giềng. Qua đó góp phần vào việc duy trì hòa bình ổn định ở khu vực biên giới giữa các quốc gia nói chung và khu vực biên giới Trung Quốc – Việt Nam nới riêng.
Bố cục của cuốn sách bao gồm 5 chương cụ thể như sau:
Chương I: Khái quát quá trình hình thành cương vực Trung Quốc và chính sách biên giới của Cộng hòa nhân dân Trung Hoa
Chương II: Quan hệ biên giới giữa Trung Quốc với nước Nga Sa hoàng và Liên Xô, Liên Bang Nga
Chương III: Quan hệ biên giới trên đất liền giữa Trung Quốc với các quốc gia Nam Á, với Lào và Myanmar
Chương IV: Quan hệ biên giới trên đất liền giữa Việt Nam và Trung Quốc
Chương V: Nhận xét về quan hệ biên giới trên đất liền giữa Trung Quốc với các quốc gia láng giềng.