Là một trong những đơn vị đầu ngành trong nghiên cứu lịch sử, trong gần 60 năm qua, Viện Sử học luôn chú trọng xây dựng và phát huy các chương trình hợp tác quốc tế sâu, rộng nhằm hỗ trợ cho việc phát triển chất lượng nghiên cứu khoa học và đào tạo về khoa học lịch sử ở Viện Sử học.


Ngay sau khi được thành lập năm 1953, Viện Sử học đã mở rộng các chương trình hợp tác với các viện nghiên cứu thuộc Ủy ban Khoa học xã hội Việt Nam (Viện Khoa học xã hội Việt Nam, Trung tâm Khoa học xã hội và Nhân văn Quốc gia) nay là Viện Khoa học xã hội Việt Nam, các trường đại học thuộc khối các nước Xã hội chủ nghĩa, đồng thời tiếp nhận các nhà khoa học nước ngoài đến nghiên cứu và hợp tác nghiên cứu.

Sau ngày đất nước thống nhất, cùng với sự hội nhập ngày càng mạnh của hệ thống giáo dục Việt Nam, quan hệ quốc tế của Viện Sử học cũng chuyển qua một thời kỳ phát triển mới. Bên cạnh quan hệ hợp tác truyền thống với các trung tâm, viện nghiên cứu, trường đại học nhiều chương trình hợp tác mới cũng được thiết lập và ngày càng mở rộng hơn.

Hiện nay, Viện Sử học đã và đang duy trì quan hệ với nhiều viện nghiên cứu, trường đại học trên thế giới như Viện Hàn lâm khoa học Nga, Viện khoa học xã hội Trung Quốc, Viện Hàn lâm khoa học Hungary, Viện Hàn lâm khoa học Ba Lan, Hội đồng khoa học xã hội Pháp, Hội đồng khoa học xã hội Hoa Kỳ, Viện Hàn lâm Hoàng gia Campuchia, Viện Khoa học xã hội quốc gia Lào, Đại học Quốc gia Tokyo (Nhật Bản), Đại học Quốc gia Seoul (Hàn Quốc)… Viện Sử học đã liên kết chặt chẽ, tổ chức, đồng tổ chức, tham gia nhiều Hội thảo Quốc tế như Việt Nam trong thế kỷ XX, 50 năm chiến thắng Điện Biên Phủ, nhất là đã đóng góp đáng kể vào thành công của Hội thảo Quốc tế về Việt Nam học lần thứ hai, và lần thứ tư trong năm 2012 này.

Trong những năm qua, Viện Sử học quyết định cử nhiều đoàn, với nhiều lượt cán bộ, viên chức đi nước ngoài để tham dự hội nghị, hội thảo, học tập nghiên cứu, bàn về hợp tác, ký kết biên bản nghi nhớ hợp tác. Cán bộ được cử đi công tác đều chấp hành nghiêm túc các quy định của Nhà nước và của Viện KHXH Việt Nam về xuất nhập cảnh. Trong thời gian lưu trú ở nước ngoài, các cán bộ của Viện đã chấp hành đầy đủ các quy định pháp luật của nước sở tại, giữ gìn thể diện quốc gia và trở về nước đúng thời hạn, và có báo cáo công tác lên các ban chức năng của Viện KHXH Việt Nam.

Viện Sử học cũng đã tổ chức đón nhiều đoàn khách quốc tế từ Hoa Kỳ, Hàn Quốc, Trung Quốc, Đài Loan, CHDCND Triều Tiên, Ba Lan, Ucraina, Lào, Campuchia… đến thuyết trình khoa học, trao đổi tài liệu, hợp tác, thỏa thuận nghiên cứu. Công tác ngoại giao đối với đoàn vào đã được thực hiện tốt, các buổi đón tiếp trọng thị, nhiều hợp tác nghiên cứu đã được thỏa thuận với sự đồng tình cao của lãnh đạo các cơ quan. Do vậy, hoạt động quan hệ quốc tế của Viện Sử học đạt được kết quả với mục tiêu đề ra, các hoạt động ngày càng mở rộng. Công tác phối hợp với các phòng ban của Viện và các các ban chức năng của Viện KHXH Việt Nam được thực hiện đồng bộ đảm bảo hoạt động đối ngoại diễn ra thuận lợi, đạt hiệu quả cao.

Trong thời gian tới, hoạt động đối ngoại của Viện tiếp tục tập trung vào đẩy mạnh quan hệ với các học giả quốc tế, các trung tâm, viện nghiên cứu, trường đại học quốc tế đã có truyền thống, tích cực mở rộng với các đối tác khác, xứng đáng là địa chỉ tin cậy trong hoạt động nghiên cứu khoa học chuyên nghiệp.

Trong bối cảnh hội nhập quốc tế và phát triển bền vững, Viện Sử học luôn chú trọng đẩy mạnh hoạt động quan hệ quốc tế để không ngừng nâng cao chất lượng đào tạo và nghiên cứu, gửi cán bộ đi tu nghiệp ở nước ngoài, tổ chức các chương trình nghiên cứu và đặc biệt là liên kết với các Viện thuộc KHXH Việt Nam, các trung tâm, trường đại học, viên nghiên cứu trong cả nước.
Viện Sử học