Chiến thắng Ấp Bắc - Thắng lợi có ý nghĩa chiến lược trong cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước

06/01/2023
Ấp Bắc gồm hai ấp nhỏ là Tân Bình và Tân Thới, thuộc xã Tân Phú, huyện Cai Lậy, tỉnh Mỹ Tho (nay là tỉnh Tiền Giang). Trận chiến đấu diễn ra ngày 2/1/1963 vô cùng ác liệt. Quân và dân ta dựa vào hệ thống công sự và những bờ mương liên hoàn nối liền với rạch Ấp Bắc để tổ chức trận địa chặn đánh các mũi tiến công của địch. Website Viện Sử học trân trọng giới thiệu bài viết của Chi bộ Viện Sử học tới bạn đọc.

 

Thắng lợi của cao trào Đồng Khởi những năm 1959 - 1960 của quân và dân miền Nam đã "giáng một đòn bất ngờ vào chiến lược Aixenhao, làm thất bại một hình thức chính trị điển hình của chủ nghĩa thực dân kiểu Mỹ"[1], đưa cách mạng miền Nam bước sang một trang mới. Trước tình hình đó, chính quyền Mỹ phải chuyển sang thực hiện chiến lược "Chiến tranh đặc biệt" để đối phó. Cuối th1961, Mỹ đề ra kế hoạch Stalay Taylor với mục tiêu "bình định" miền Nam Việt Nam trong vòng 18 tháng. Thực hiện kế hoạch trên, đế quốc Mỹ quyết định tăng viện trợ quân sự, cố vấn và các đơn vị yểm trợ Mỹ. Lực lượng quân đội Mỹ và chính quyền Sài Gòn đã tiến hành hàng nghìn cuộc càn quét, bom rải thảm... bằng phương tiện vũ khí hiện đại và quân đội chính quy có sự yểm trợ của không quân và hải quân Mỹ. Lực lượng quân đội Mỹ cũng không ngừng được đưa thêm vào miền Nam Việt Nam: từ 948 quân (11/1961) lên 2.646 quân (9/1/1962) và tăng lên 5.576 quân (30/6/1962). Cuối năm 1962, số quân Mỹ ở miền Nam Việt Nam đã lên tới 10.960 quân, gồm 2.630 cố vấn và 8.280 lính thuộc lực lượng yểm trợ[2]. Được sự hỗ trợ bằng hỏa lực và sức cơ động của Mỹ, quân đội Sài Gòn liên tiếp mở gần 4.000 cuộc hành quân càn quét để tiêu diệt lực lượng du kích. Các chiến thuật "trực thăng vận", "thiết xa vận" của Mỹ - Diệm được sử dụng phổ biến trên các chiến trường. Cùng với việc liên tiếp mở các cuộc hành quân càn quét, đế quốc Mỹ và chính quyền Sài Gòn tiến hành bình định, tổ chức thí điểm lập "ấp chiến lược" ở các tỉnh của Nam Bộ. Theo Mỹ - Diệm, quốc sách "ấp chiến lược" là một cuộc chiến tranh tổng lực trên các mặt chính trị, quân sự, kinh tế, xã hội, tâm lý, gián điệp… nhằm mục đích cuối cùng là tiêu diệt các cơ sở cách mạng, đẩy lực lượng du kích khỏi các thôn ấp. Năm 1961, khi bắt đầu thí điểm lập ấp chiến lược ở miền Nam, Mỹ - Diệm đã mở 1.253 cuộc hành quân càn quét từ cấp tiểu đoàn trở lên, tăng gấp 4 lần so với năm 1960. Năm 1962, Mỹ - Diệm tổ chức 2.577 trận càn quét, trong đó có trên 164 trận đổ bộ bằng “trực thăng vận”[3]. Đế quốc Mỹ và chính quyền Sài Gòn đã tập trung mọi nỗ lực để thực hiện kế hoạch chiến lược "Chiến tranh đặc biệt" nhằm bình định miền Nam Việt Nam.

 

Để đánh bại chiến lược "Chiến tranh đặc biệt" của đế quốc Mỹ, ngay từ tháng 1/1961, Bộ Chính trị Trung ương Đảng đã họp đề ra phương hướng và nhiệm vụ của cách mạng miền Nam, chủ trương "đẩy mạnh hơn nữa đấu tranh chính trị, đồng thời đẩy mạnh đấu tranh vũ trang lên song song với đấu tranh chính trị, tấn công địch bằng cả hai mặt chính trị và quân sự"[4].  Hội nghị xác định nhiệm vụ công tác trước mắt ở miền Nam là "ra sức xây dựng mau chóng lực lượng của ta cả về hai mặt chính trị và quân sự, tập hợp đông đảo lực lượng cách mạng trong Mặt trận dân tộc giải phòng, phát động một phong trào đấu tranh chính trị mạnh mẽ của quần chúng, tích cực tiêu diệt sinh lực địch, bảo tồn và phát triển lực lượng ta, làm tan rã chính quyền và lực lượng địch trên một phạm vi ngày càng rộng lớn; tiến lên làm chủ rừng núi, giành lại toàn bộ đồng bằng, ra sức xây dựng cơ sở và đẩy mạnh đấu tranh chính trị ở đô thị; tạo mọi điều kiện và nắm mọi thời cơ thuận lợi để đánh đổ chính quyền Mỹ-Diệm, giải phóng miền Nam"[5]. Dưới ánh sáng của Nghị quyết tháng 1/1961 của Bộ Chính trị Trung ương Đảng, quân và dân miền Nam tiếp tục đẩy mạnh cuộc đấu tranh chính trị và đấu tranh vũ trang lên một giai đoạn mới và giành được nhiều thắng lợi.

 

Nhằm đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ của cách mạng miền Nam, chấp hành chỉ đạo của Quân ủy Trung ương, ngày 15/2/1961, các lực lượng vũ trang miền Nam được thống nhất, lấy tên là Quân giải phóng miền Nam. Tiếp đó, Trung ương cục thành lập các trung đoàn chủ lực, phát triển lực lượng du kích, bộ đội địa phương tổ chức hệ thống chỉ huy từ miền xuống tỉnh, huyện, xã; xây dựng và mở rộng vùng giải phóng, vùng căn cứ nhằm tạo thế đứng chân vững chắc cho lực lượng cách mạng miền Nam, phát triển thế trận chiến tranh nhân dân, kết hợp phương châm "hai chân", "ba mũi"; đồng thời thực hiện chuyển từ khởi nghĩa vũ trang sang chiến tranh cách mạng, đẩy mạnh tiến công địch trên cả ba vùng chiến lược: rừng núi, nông thôn đồng bằng và đô thị, làm thất bại các chiến lược chiến tranh của địch, giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước.

 

Sau hội nghị, một không khí sôi nổi chuẩn bị quyết tâm đánh bại kế hoạch bình định mới của Mỹ và chính quyền Sài Gòn xuất hiện khắp miền Nam. Trong không khí đó, Ấp Bắc - một địa phương, một trận đánh với thắng lợi giành được đã mở đầu cho một cao trào mới của cách mạng miền Nam.

 

Địa bàn Ấp Bắc gồm hai ấp nhỏ là Tân Bình và Tân Thới, thuộc xã Tân Phú, huyện Cai Lậy, tỉnh Mỹ Tho (nay là tỉnh Tiền Giang). Ấp Bắc chỉ cách thị xã Mỹ Tho khoảng 16km. Trận chiến đấu diễn ra ngày 2/1/1963 vô cùng ác liệt. Quân và dân ta dựa vào hệ thống công sự và những bờ mương liên hoàn nối liền với rạch Ấp Bắc để tổ chức trận địa chặn đánh các mũi tiến công của địch. Đại đội 1, Tiểu đoàn 261 đánh tan các cánh quân đổ bộ bằng máy bay lên thẳng của địch tại Ấp Bắc, bắn rơi nhiều chiếc H.21. Tiếp đó đánh bật mũi tiến quân đường bộ, bắn cháy hai chiếc xe tăng M113. Đại đội 1, Tiểu đoàn 514 chiến đấu quyết liệt với một tiểu đoàn dù với 16 máy bay thả quân. Trung đội bộ đội địa phương huyện Châu Thành phối hợp với một trung đội của Đại đội 1, Tiểu đoàn 216 chặn đánh địch ở cầu Ông Bồi. Trung đội công binh, Tiểu đoàn 216 dùng thủy lôi đánh chìm một tàu địch ở Vàm Kênh 3, bắn hỏng hai chiếc khác, bẻ gãy mũi đánh vu hồi của hai đại đội biệt động quân đội Sài Gòn. Trong trận Ấp Bắc, nhân dân các xã Tân Phú, Điềm Hy, Tân Hội kéo lên đường số 4 làm ách tắc đường hành quân của địch. Hơn 700 người thuộc các xã Mỹ Hạnh Đông, Mỹ Hạnh Trung, Mỹ Phước Tây kéo đến bao vây cụm pháo 105 của địch, không cho địch bắn phá vào nhà cửa, ruộng vườn. Sau nhiều giờ chiến đấu, quân và dân Ấp Bắc đã gây cho quân đội Mỹ và chính quyền Sài Gòn nhiều thiệt hại nặng nề: diệt và làm bị thương 450 tên địch (có 11 cố vấn và nhân viên kỹ thuật Mỹ), bắn rơi 5 máy bay trực thăng, bắn bị thương nhiều chiếc khác, phá hủy 3 xe bọc thép M113, đánh chìm một tàu chiến trên sông[6].

 

So với nhiều trận đánh sau này trong cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước của nhân dân ta, trận Ấp Bắc không lớn, nhưng lại có ý nghĩa to lớn. Chiến thắng Ấp Bắc là tín hiệu mở đầu cho một bước ngoặt lớn của cuộc chiến tranh giải phóng của ta.

 

Đối với Mỹ và quân đội Sài Gòn, Ấp Bắc báo hiệu sự thất bại của kế hoạch bình định. Thất bại Ấp Bắc đã dẫn đến sự sụp đổ của chính quyền Ngô Đình Diệm, đẩy địch vào thế khủng hoảng triền miên và sau đó là sự sụp đổ của quốc sách ấp chiến lược. Nó cho thấy tính chất "không thể thắng" của Mỹ trong cuộc chiến tranh. Từ "không thể thắng" trong Ấp Bắc đến các thất bại tiếp theo trong các chiến dịch Bình Giã, Ba Gia (1964 - 1965) cho thấy Mỹ và chính quyền Sài Gòn "có thể thua" trong Chiến tranh đặc biệt. Nhưng thất bại lớn nhất không phải chỉ ở chiến trường Ấp Bắc. Trong nội bộ giới cầm quyền Sài Gòn đã bắt đầu một sự khủng hoảng lòng tin, một sự rạn nứt đổ vỡ không sao cứu vãn nổi. Giữa cố vấn Mỹ có sự mâu thuẫn và lực lượng cố vấn Mỹ cũng giảm hẳn lòng tin vào khả năng chỉ huy tác chiến của quân đội Sài Gòn. Ngược lại, lực lượng quân đội Sài Gòn cũng mất lòng tin vào khả năng vô hạn của hỏa lực và binh khí kỹ thuật Mỹ. Từ sau trận Ấp Bắc, số lần hành quân dùng máy bay trực thăng giảm xuống: Nếu bốn tháng cuối năm 1962 là 70 lần thì bốn tháng đầu năm 1963 chỉ còn 26 lần[7]. Từ thất bại Ấp Bắc, Mỹ - Diệm càng bất đồng với nhau hơn, công khai nói xấu, đổ vấy thất bại cho nhau. Tổng thống Kennedy phải ra lệnh điều tra thực trạng. Ngày 18/1/1962, tham mưu trưởng liên quân Mỹ cùng năm tướng, một đô đốc và nhiều sĩ quan cao cấp khác của quân đội Mỹ sang Sài Gòn điều tra tình hình, tìm biện pháp giải quyết cuộc khủng hoảng ở Sài Gòn. Những việc làm trên sau chiến thắng Ấp Bắc của quân và dân ta chứng tỏ đế quốc Mỹ đã rất lúng túng để đối phó với tình hình trên chiến trường miền Nam. Sự thất bại ở Ấp Bắc là một trong những nhân tố quan trọng báo hiệu sự phá sản của chiến lược Chiến tranh đặc biệt.

 

Đối với quân và dân ta, chiến thắng Ấp Bắc ghi nhận bước trưởng thành vượt bậc của lực lượng vũ trang cách mạng và phong trào đấu tranh chính trị của quần chúng, báo hiệu sự phá sản của các chiến thuật "trực thăng vận" và "thiết xa vận" của Mỹ và chính quyền Sài Gòn[8], mở ra khả năng sau khi chống càn, bộ đội có thể bám trụ lại ban ngày ở vùng đồng bằng đông dân. Tại đây với số quân ít hơn địch 10 lần nhưng quân và dân Việt Nam đã đánh tan cuộc càn quét của 2.000 quân đội Sài Gòn được trang bị vũ khí hiện đại, có trực thăng và xe M113 yểm trợ. Sau 5 đợt tiến công bị bẻ gãy, địch phải chấm dứt cuộc hành quân với những tổn thất nặng nề. Đây là lần đầu tiên trên địa hình đồng bằng, lực lượng vũ trang giải phóng và du kích của ta đã thực hiện thắng lợi trận đánh quy mô cỡ tiểu đoàn, trong đó, đấu tranh vũ trang, có bộ đội chủ lực làm nòng cốt, kết hợp chặt chẽ với đấu tranh chính trị, ba thứ quân phối hợp cùng nhân dân tiến công địch bằng ba mũi giáp công, kết hợp chặt chẽ với nổi dậy phá ấp chiến lược. Chiến thắng Ấp Bắc báo hiệu khả năng đánh thắng những chiến thuật cơ động bằng máy bay lên thẳng và xe tăng, thiết giáp của Mỹ và quân đội Sài Gòn, đồng thời nêu bật sức mạnh của đấu tranh chính trị kết hợp với đấu tranh vũ trang. Chiến thuật mới nhất của quân đội Mỹ bị ta đánh bại, lòng tin của quân địch bị suy sụp, sức chiến đấu giảm sút. Vì vậy, dù lực lượng đông gấp 10 lần, có trang thiết bị vũ khí, hỏa lực và sức cơ động vượt trội, nhưng địch vẫn bị ta đánh bại, "trước khí thế quật cường của nhân dân, thì chiến thuật mới và vũ khí mới nhất của Mỹ cũng phải thua"[9].

 

Trận Ấp Bắc tuy nhỏ về quy mô nhưng được coi như “cánh én” báo hiệu một mùa xuân thắng lợi của cách mạng đang đến và là sự kiện mở đầu cho một bước ngoặt lớn trong cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước. Đây là chiến thắng quan trọng, là dấu mốc lịch sử đánh dấu sự phát triển của phong trào chống phá ấp chiến lược trên chiến trường miền Nam và là kết quả của sự vận dụng tối đa ba mũi giáp công, mở ra một thời kỳ mới cho cách mạng miền Nam tiến lên đánh bại hoàn toàn chiến lược "Chiến tranh đặc biệt" cùng quốc sách ấp chiến lược của Mỹ và chính quyền Sài Gòn. Đánh giá về thắng lợi ở Ấp Bắc, Bí thư thứ nhất Ban chấp hành Trung ương Đảng Lê Duẩn nhận định: "Sau Ấp Bắc, Mỹ thấy không thắng được ta trong Chiến tranh đặc biệt"[10].

 

Thắng lợi Ấp Bắc đã cổ vũ mạnh mẽ và là bài học thiết thực cho các lực lượng vũ trang và nhân dân miền Nam. Vì ngay sau đó, Trung ương cục miền Nam đã phát động một phong trào rộng rãi "Thi đua Ấp Bắc, giết giặc lập công". Chỉ trong thời gian từ đầu năm 1963 đến cuối năm 1964, hàng nghìn ấp chiến lược của địch đã bị tan rã. Hàng triệu quần chúng đã nổi dậy giành quyền làm chủ, mở rộng vùng an toàn bằng phương thức đấu tranh "hai chân, ba mũi", làm quân địch bất ngờ, bối rối[11].

 

Thắng lợi to lớn ở Ấp Bắc là kết quả của sự chỉ đạo nhạy bén, đúng đắn, kịp thời của Trung ương Cục, Quân uỷ Miền mà trực tiếp là của Quân khu 8, Tỉnh uỷ và Ban quân sự tỉnh Mỹ Tho trong việc tổ chức chống địch càn quét đầu năm 1963. Thành công ở đây thể hiện ở việc chuẩn bị cho bộ đội, du kích và nhân dân đầy đủ cả về tư tưởng, kỹ thuật, chiến thuật, phối hợp hiệp đồng chiến đấu, hạ quyết tâm, sử dụng lực lượng hợp lý, đúng với khả năng của từng đơn vị, nhờ đó trong suốt một ngày chiến đấu liên tục không vấp phải tình huống bất ngờ nào nằm ngoài dự kiến. Chiến thắng Ấp Bắc đã gây một tiếng vang lớn trong phong trào đấu tranh cách mạng của Quân Khu 8 nói riêng và toàn miền Nam nói chung. Nó là mốc lịch sử quan trọng đánh dấu sự phát triển cả về số lượng cũng như chất lượng của cuộc kháng chiến. Đây cũng là lần đầu tiên quân và dân ta đánh bại những hình thức chiến thuật mới nhất của đối phương, chiến thuật bủa lưới phóng lao, trực thăng vận, thiết xa vận trong giai đoạn chiến tranh đặc biệt, mở ra khả năng mới cho cách mạng miền Nam tiến lên đánh bại hoàn toàn chiến lược chiến tranh đặc biệt của đế quốc Mỹ.

 

Có thể nóhiến thắng Ấp Bắc có ý nghĩa rất quan trọng, không chỉ là một thắng lợi lớn về quân sự mà  còn mở ra một cục diện mới, tạo ra một điển hình mới, đem lại lòng tin cho chiến sĩ và đồng bào miền Nam để tiến lên giành thắng lợi từng bước, đi đến thắng lợi cuối cùng  chiến dịch Hồ Chí Minh lịch sử./.

 


[1] Đảng Cộng sản Việt Nam, Văn kiện Đảng toàn tập, tập 34, Nxb. Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2002, tr.214

[2] Viện Sử học, Lịch sử Việt Nam, Nxb. Khoa học xã hội, Hà Nội, 2014, t.12, tr.476

[3] Viện Sử học, Lịch sử Việt Nam, t.12, Sđd, tr.478

[4] Đảng Cộng sản Việt Nam, Văn kiện Đảng toàn tập, tập 22, Nxb. Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2002, tr.158

[5] Đảng Cộng sản Việt Nam, Văn kiện Đảng toàn tập, tập 22, Nxb Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2002, tr.159

[6] Bộ Quốc phòng - Viện Lịch sử Quân sự Việt Nam, Lịch sử kháng chiến chống Mỹ, cứu nước 1954-1975, Tập III: Đánh thắng chiến tranh đặc biệt, Nxb Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2013, tr.235

[7] Bộ Quốc phòng - Viện Lịch sử Quân sự Việt Nam, Lịch sử kháng chiến chống Mỹ, cứu nước 1954-1975, Tập III: Đánh thắng chiến tranh đặc biệt, Nxb Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2013, tr.239

[8] Ban Chỉ đạo Tổng kết chiến tranh trực thuộc Bộ Chính trị, Chiến tranh cách mạng Việt Nam 1945-1975: Thắng lợi và bài học, Nxb Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2015, tr.150

[9] Trích bài viết của Chủ tịch Hồ Chí Minh đăng trên báo Nhân dân ngày 1-2-1963, với bút danh TL

[10] Lê Duẩn, Thư vào Nam, Nxb Sự thật, Hà Nội, 1985, tr.69

[11] Ban Chỉ đạo Tổng kết chiến tranh trực thuộc Bộ Chính trị, Tổng kết cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước: Thắng lợi và bài học, Nxb Chính trị quốc gia, Hà Nội, 1995, tr.128

 

Chi bộ Viện Sử học

Giáo sư Văn Tạo (1926 - 2017) (12/04/2017)

Giáo sư Văn Tạo, tên thật là Nguyễn Xuân Đào, sinh ngày 29 tháng 4 năm 1926, tại La Tỉnh, huyện Tứ Kỳ, tỉnh Hải Dương, công tác ở Ban Văn Sử Địa từ ngày 8 tháng 12 năm 1953 đến năm 1960, ở Viện Sử học từ năm 1960 đến tháng 12 năm 1999 nghỉ hưu. Công tác Đảng từ năm 1953, Đảng ủy viên Đảng ủy Ủy ban Khoa học Nhà nước (nay là Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam) 1959-1960.