Ngày 31/07/2014, tại thành phố Thanh Hóa, Viện Sử học phối hợp với Tỉnh ủy - UBND tỉnh Thanh Hóa; Ban liên lạc họ Lương Việt Nam tổ chức hội thảo khoa học: “Bảng nhãn Lương Đắc Bằng và Thượng thư Lương Hữu Khánh trong lịch sử và văn hóa Việt Nam”
Đến dự Hội thảo có:
Về phía Viện Sử học Việt Nam: PGS.TS Nguyễn Đức Nhuệ - Phó Viện trưởng
Về phía lãnh đạo tỉnh Thanh Hóa có:
-
PGS.TS Nguyễn Thị Xuân Thu - Phó bí thư Tỉnh ủy
-
Ông Vương Văn Việt - Phó chủ tịch UBND tỉnh
-
Ông Phạm Duy Phương - Phó Giám đốc Sở Văn hóa - Thể thao và Du lịch
Về phía BLL họ Lương Việt Nam có:
-
Ông Lương Đức Kỳ - Trưởng BLL họ Lương Việt Nam
-
Ông Lương Sỹ Pháp - Chỉ tịch Hội đồng Trưởng lão họ Lương Việt Nam
Cùng đại diện hậu duệ họ Lương đang sinh sống trên khắp mọi miền đất nước
Lương Đắc Bằng người làng Hội Triều (nay là xã Hoằng Phong - Hoằng Hóa - Thanh Hóa). Từ nhỏ Lương Đắc Bằng đã nổi tiếng văn hay chữ tốt. Ông đỗ Bảng nhãn vào năm Kỷ Mùi 1499, làm quan đến chức Tả thị lang bộ Lễ. Ông là công thần thời Lê Hiến Tông đến Lê Tương Dực.
Năm 1510, ông thảo hịch kể tội Lê Uy Mục, khởi binh đánh đổ Uy Mục, lập Tương Dực làm vua. Nhưng Tương Dực làm vua, tình hình cũng không khác trước. Tháng 10 năm Canh Ngọ (1510), ông từng dâng vua "Trị bình thập tứ sách" gồm 14 điều nhằm giúp vua trị nước, an dân.
Đến thời Lê Chiêu Tông, ông cáo quan về quê dạy học. Học trò của ông có nhiều người thành danh trong đó phải kể đến Trạng Trình Nguyễn Bỉnh Kiêm.
Lương Hữu Khánh là con của Bảng nhãn Lương Đắc Bằng. Lương Hữu Khánh là nhân vật trọng yếu của triều đình nhà Lê, có công khôi phục và lập nên nhà Lê trung hưng. Ông làm quan đến chức Thượng thư bộ Binh, tước Đạt Quận công.

Đoàn Chủ tịch điều hành hội thảo
15 bản tham luận tại Hội thảo đã tập trung phân tích, làm rõ 3 vấn đề lớn: Thân thế và sự nghiệp của Bảng nhãn Lương Đắc Bằng và Thượng thư Lương Hữu Khánh; Những đóng góp của Bảng nhãn Lương Đắc Bằng và Thượng thư Lương Hữu Khánh đối với lịch sử dân tộc; Kế thừa phát huy những giá trị di sản của khu di tích Lương Đắc Bằng và Lương Hữu Khánh.
Hội thảo đã làm rõ hơn về ngày mất Bảng nhãn Lương Đắc Bằng cũng như năm sinh của Thượng thư Lương Hữu Khánh; những đóng góp của Bảng nhãn Lương Đắc Bằng và Thượng thư Lương Hữu Khánh trong lịch sử dân tộc.
Phan Đăng Thuận