Hội thảo khoa học: “Linh nhân Hoàng Thái hậu và Khu di tích đền Ghênh, thị trấn Như Quỳnh, huyện Văn Lâm, tỉnh Hưng Yên”

03/08/2015
Ngày 2/8/2015 tại huyện Văn Lâm, UBND tỉnh Hưng Yên phối hợp với Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam tổ chức hội thảo khoa học "Linh nhân Hoàng Thái hậu và khu di tích đền Ghênh, thị trấn Như Quỳnh, huyện Văn Lâm, tỉnh Hưng Yên".

 

Tham dự và chủ trì Hội thảo có PGS.TS. Phạm Văn Đức, Phó Chủ tịch Viện Hàn lâm; PGS.TS. Đinh Quang Hải, Viện trưởng Viện Sử học; Ông Đỗ Tiến Sỹ, Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy tỉnh Hưng Yên; Ông Đặng Ngọc Quỳnh, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Hưng Yên; Ông Phạm Anh Quân, Bí thư huyện ủy huyện Văn Lâm, cùng các nhà khoa học đến từ Viện Sử học, Viện Khảo cổ học, Viện Nghiên cứu Hán Nôm, Viện Nghiên cứu Văn hóa, Viện Nghiên cứu Tôn giáo, Viện Từ điển học và Bách khoa thư Việt Nam thuộc Viện Hàn lâm; Viện Nghiên cứu Văn hóa Nghệ thuật thuộc Bộ Văn hóa Thể thao và Du lịch; các đại biểu đến từ Cục Di sản, Bộ Văn hóa - Thể thao và Du lịch; Lãnh đạo các Sở, Ban ngành của tỉnh Hưng Yên; Sở Văn hóa Thể thao và Du lịch các tỉnh Bắc Ninh, Hải Dương và đông đảo cán bộ, nhân dân huyện Văn Lâm, tỉnh Hưng Yên.

 

Đoàn chủ trì Hội thảo

 

Trong bài phát biểu khai mạc, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Đặng Ngọc Quỳnh mong muốn buổi hội thảo sẽ làm rõ hơn thân thế, sự nghiệp của Linh nhân Hoàng Thái hậu Ỷ Lan và có sự thống nhất cao về quê hương của Linh nhân Hoàng Thái hậu Ỷ Lan,... PGS.TS. Đinh Quang Hải, Viện trưởng Viện Sử học trong bài báo cáo đề dẫn, đã khẳng định ý nghĩa quan trọng và mục đích của Hội thảo nhằm làm rõ hơn thân thế, sự nghiệp của Linh nhân Hoàng Thái hậu Ỷ Lan, cung cấp cơ sở khoa học cho việc bảo tồn, tôn tạo và phát huy giá trị lịch sử - văn hóa của Khu di tích đền Ghênh ngang tầm với công lao to lớn của Linh nhân Hoàng Thái hậu Ỷ Lan...

 

PGS.TS. Đinh Quang Hải - Viện trưởng Viện Sử học phát biểu tại Hội thảo

 

Ban Tổ chức Hội thảo nhận được 24 tham luận của các nhà khoa học, nhà nghiên cứu. Trong đó, Hội thảo đã nghe 7 tác giả trình bày tham luận và 11 ý kiến phát biểu trực tiếp tại hội trường. Nội dung chính của các tham luận làm rõ: Thứ nhất, khẳng định vai trò của Linh nhân Hoàng Thái hậu đối với vương triều Lý nói riêng và nhà nước Đại Việt cuối thế kỷ 11 đầu thế kỷ 12 nói chung; Đánh giá lại những công hiến và công lao đóng góp của Linh nhân Hoàng Thái hậu Ỷ Lan đối với dân tộc; Vai trò của bà đối với phật giáo thời Lý; Thứ hai, hội thảo đã khẳng định giá trị kiến trúc rất cổ kính, đặc sắc, có giá trị lịch sử văn hóa của khu di tích đền Ghênh; Kết quả khảo cổ học đã chứng minh, di tích đền Ghênh được khởi dựng từ thời Lý và tồn tại suốt dưới triều Trần, Lê Sơ và đến thời Lê Trung Hưng;... Thứ ba, vấn đề được nhiều nhà khoa học quan tâm tìm hiểu là việc xác định quê hương của Linh nhân Hoàng Thái hậu Ỷ Lan trên địa bàn hương Thổ Lỗi thời Lý,...

 

Toàn cảnh Hội thảo

 

Phát biểu kết luận Hội thảo, PGS.TS. Phạm Văn Đức, Phó Chủ tịch Viện Hàn lâm khẳng định: Hội thảo đã khẳng định giá trị cổ kính, đặc sắc và rất có giá trị về lịch sử - văn hóa, kiến trúc của Khu di tích đền Ghênh. Khu di tích đền Ghênh nằm trong quần thể những di tích thờ Linh nhân Hoàng Thái hậu Ỷ Lan của Hà Nội, Bắc Ninh và Hưng Yên, vì vậy cần có sự kết nối, liên kết, phát triển kinh tế - xã hội của ba địa phương vì một đất nước Việt Nam hòa bình, thịnh vượng. Từ kết quả đã đạt được của Hội thảo, thay mặt Ban Tổ chức Hội thảo, PGS.TS. Phạm Văn Đức nêu một số đề xuất, kiến nghị như sau:

 

1.Chính quyền và nhân dân thị trấn Như Quỳnh, huyện Văn Lâm, tỉnh Hưng Yên cần tiếp tục nghiên cứu, sưu tầm những tư liệu liên quan đến cuộc đời và sự nghiệp của Linh nhân Hoàng Thái hậu Ỷ Lan, đồng thời làm tốt hơn nữa công tác gìn giữ và phát huy giá trị lịch sử - văn hóa của Khu di tích đền Ghênh trong quy hoạch tổng thể phát triển kinh tế - xã hội của địa phương;

 

2. Cục Di sản văn hóa thuộc Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch và các cơ quan chuyên môn của tỉnh Hưng Yên chỉ đạo sát sao hơn nữa định hướng quy hoạch, bảo tồn, tôn tạo các hạng mục thuộc Khu di tích, để Khu di tích đền Ghênh ngày càng khang trang, bề thế và linh thiêng, tương xứng với vai trò, vị thế của Linh nhân Hoàng Thái hậu Ỷ Lan trong lịch sử;

 

3. Lãnh đạo tỉnh Hưng Yên, Hà Nội, Bắc Ninh cần xây dựng kế hoạch và lộ trình cụ thể trong việc tri ân và tôn vinh Linh nhân Hoàng Thái hậu Ỷ Lan thông qua việc gắn kết chặt chẽ giữa các di tích thờ thờ Bà nhằm tạo thành một tuyến du lịch lịch sử - văn hóa - tâm linh, phục vụ phát triển du lịch của các địa phương;

 

4. Sau khi Hội thảo kết thúc, Ban Tổ chức tiến hành việc sửa chữa, bổ sung nội dung các tham luận để in thành sách Kỷ yếu Hội thảo, phục vụ đông đảo bạn đọc;

 

Phát biểu tại hội thảo, Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy Đỗ Tiến Sỹ nhấn mạnh: Thông qua kết quả của Hội thảo, các ngành chức năng của tỉnh cần cung cấp cơ sở khoa học cho việc bảo tồn, tôn tạo và phát huy giá trị lịch sử - văn hóa của Khu di tích đền Ghênh, từ đó liên kết chặt chẽ tạo thành tuyến du lịch lịch sử - văn hóa - tâm linh giữa Khu di tích đền Ghênh và một số dấu tích cổ liên quan đến Hoàng Thái hậu Ỷ Lan trên địa bàn huyện Văn Lâm với các khu di tích cùng thờ Linh nhân Hoàng Thái hậu Ỷ Lan ở Hà Nội, Bắc Ninh, Hải Dương...

 

Giáo sư Văn Tạo (1926 - 2017) (12/04/2017)

Giáo sư Văn Tạo, tên thật là Nguyễn Xuân Đào, sinh ngày 29 tháng 4 năm 1926, tại La Tỉnh, huyện Tứ Kỳ, tỉnh Hải Dương, công tác ở Ban Văn Sử Địa từ ngày 8 tháng 12 năm 1953 đến năm 1960, ở Viện Sử học từ năm 1960 đến tháng 12 năm 1999 nghỉ hưu. Công tác Đảng từ năm 1953, Đảng ủy viên Đảng ủy Ủy ban Khoa học Nhà nước (nay là Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam) 1959-1960.