Hội thảo Khoa học quốc gia “70 năm Cách mạng tháng Tám và Quốc khánh nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam với sự nghiệp đổi mới, hội nhập và phát triển (1945-2015)”

26/08/2015
Ngày 24-8-2015, Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam phối hợp với Ban Tuyên giáo Trung ương, Thành ủy Hà Nội tổ chức Hội thảo Khoa học quốc gia “70 năm Cách mạng tháng Tám và Quốc khánh nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam với sự nghiệp đổi mới, hội nhập và phát triển (1945-2015)”.

          

Hội thảo đã giành được sự quan tâm của đông đảo của các nhà khoa học, nhiều nhà hoạt động chính trị xã hội thuộc các cơ quan như Ban Tuyên giáo Trung ương, Thành Ủy thành phố Hà Nội, các Viện, trung tâm nghiên cứu, các trường đại học và một đại biểu đến từ nước Cộng hòa Dân chủ Nhân dân Lào. Cuộc hội thảo cũng nhận được sự quan tâm của nhiều nhà lãnh đạo lão thành cách mạng, nhân chứng lịch sử - những người đã trực tiếp tham gia vào các hoạt động giành chính quyền năm 1945. Một số vị lãnh đạo chủ chốt của Ban Tuyên giáo Trung ương, Viện Hàn lâm Khoa học Xã hội Việt Nam và Thành ủy - Uỷ ban nhân dân thành phố Hà Nội đã đến dự hội thảo.

 

Toàn cảnh phiên khai mạc hội thảo

 

Cách đây vừa tròn 70 năm, vào mùa Thu năm 1945, thế giới đã chứng kiến một trong những sự kiện vĩ đại nhất trong lịch sử dân tộc Việt Nam. Dưới sự lãnh đạo của Đảng Cộng sản, toàn thể nhân dân Việt Nam tập hợp dưới ngọn cờ cứu nước của Mặt trận Việt Minh đã tiến hành Cách mạng tháng Tám thắng lợi trong cả nước. Cuộc cách mạng vĩ đại đó đã phá tan hai xiềng xích nô lệ của thực dân Pháp kéo dài hơn 80 năm và của phát xít Nhật, đồng thời lật nhào chế độ quân chủ chuyên chế kéo dài hàng ngàn năm đã lỗi thời, giành quyền độc lập dân tộc, thành lập nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa (2-9-1945).

 

Hội thảo đã nghe báo cáo phát biểu của đồng chí Đinh Thế Huynh - Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng ban Tuyên giáo Trung ương, đồng chí Ngô Thị Thanh Hằng - Phó Bí thư thường trực Thành ủy Hà Nội và báo cáo đề dẫn của GS.TS. Nguyễn Xuân Thắng - Ủy viên Trung ương Đảng, Chủ tịch Viện Hàn lâm Khoa học Xã hội Việt Nam.

 

Đồng chí Đinh Thế Huynh phát biểu tại hội thảo

 

Phát biểu khai mạc hội thảo, đồng chí Đinh Thế Huynh nêu rõ: Cách mạng tháng Tám 1945 và việc thành lập nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa là thành quả của quá trình đấu tranh lâu dài, đầy hi sinh gian khổ, là thắng lợi của chủ nghĩa yêu nước, khát vọng độc lập tự do của nhân dân Việt Nam, thắng lợi của đường lối cách mạng đúng đắn, sự lãnh đạo tài tình của Đảng Cộng sản Việt Nam và Chủ tịch Hồ Chí Minh. Đồng chí Đinh Thế Huynh cho rằng, đây là hội thảo quan trọng và có ý nghĩa sâu sắc, được tổ chức trong bối cảnh sự nghiệp đổi mới và hội nhập quốc tế của Việt Nam đang được triển khai mạnh mẽ và đã thu được nhiều thành tựu to lớn, có ý nghĩa lịch sử trên tất cả các lĩnh vực của đời sống.

 

Đồng chí Đinh Thế Huynh khẳng định, tất cả những thành tựu to lớn đã đạt được trong suốt 70 năm qua, nhất là trong gần 30 năm đổi mới, đều bắt nguồn từ những nền tảng đầu tiên là thắng lợi vĩ đại của Cách mạng tháng Tám năm 1945 và sự thành lập nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa.

 

Toàn cảnh hội thảo

 

Cho đến trước ngày khai mạc, Ban Tổ chức nhận được 80 bản báo cáo, đã biên tập và in trong kỷ yếu 71 bài. Tại hội thảo 16 bản báo cáo và ý kiến đã được trình bày trên hội trường. Các tham luận tại hội thảo ôn lại những sự kiện vĩ đại nhất trong lịch sử hào hùng của dân tộc, đồng thời đi sâu thảo luận và làm rõ hơn tầm vóc, ý nghĩa lịch sử trọng đại của Cách mạng tháng Tám 1945 và Quốc khánh 2/9, khẳng định sự lãnh đạo đúng đắn, tài tình của Đảng Cộng sản Việt Nam và Chủ tịch Hồ Chí Minh.

 

PGS.TS. Trần Đức Cường phát biểu tại hội thảo

 

Phát biểu kết luận Hội thảo, PGS.TS. Trần Đức Cường, Phó Chủ tịch Hội đồng khoa học Viện Hàn lâm Khoa học Xã hội Việt Nam khẳng định:

 

Thứ nhất, thắng lợi của Cách mạng tháng Tám năm 1945 là kết quả của nhiều nhân tố chủ quan và khách quan, trong đó sự lãnh đạo đúng đắn của Đảng và Chủ tịch Hồ Chí Minh giữ vai trò cực kỳ quan trọng. Điều đó thể hiện trong quyết định thay đổi chiến lược cách mạng, kết hợp các vấn đề dân tộc và dân chủ, đặt nhiệm vụ giải phóng dân tộc lên hàng đầu, coi đó là yêu cầu cấp bách của dân tộc, là nguyện vọng tha thiết nhất của các tầng lớp nhân dân.

 

Thứ hai, thắng lợi của Cách mạng tháng Tám năm 1945 là kết quả của một quá trình khẩn trương xây dựng lực lượng về mọi mặt, của sự chuẩn bị của các lực lượng giành chính quyền bao gồm lực lượng lãnh đạo, lực lượng quần chúng, lực lượng vũ trang, xây dựng căn cứ địa cách mạng, xây dựng An toàn khu, các chiến khu tùy theo điều kiện từng địa phương trên cả ba vùng Bắc - Trung - Nam.

 

Thứ ba, thắng lợi của Cách mạng tháng Tám năm 1945 bắt nguồn từ sức mạnh của dân tộc Việt Nam, đoàn kết thành một khối vững chắc, kiên quyết vùng dậy lật đổ ách thống trị của đế quốc và phong kiến tay sai. Sự đoàn kết ấy được tổ chức thành Mặt trận Việt Minh, một tổ chức quần chúng rộng rãi thu hút được đông đảo mọi người dân yêu nước không phân biệt giai cấp, các tầng lớp xã hội, dân tộc, tôn giáo,... phấn đấu vì mục tiêu chung là độc lập, tự do cho Tổ quốc và hạnh phúc cho nhân dân.

 

Thứ tư, thắng lợi của Cách mạng tháng Tám năm 1945 thành công có ý nghĩa cực kỳ quan trọng trong tiến trình phát triển của lịch sử Việt Nam. Cách mạng tháng Tám đã lật đổ ách thống trị của đế quốc, phát xít xâm lược giành quyền độc lập dân tộc, khôi phục nền thống nhất trên cả nước, đánh đổ chế độ quân chủ đã lỗi thời và thành lập nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa, mở ra một kỷ nguyên mới cho lịch sử dân tộc, chủ nghĩa độc lập tự do và chủ nghĩa xã hội. Cách mạng tháng Tám thắng lợi đã dẫn đến việc thành lập nhà nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa, một nhà nước kiểu mới trong lịch sử Việt Nam, trong đó quyền làm chủ đất nước thuộc về nhân dân lao động.

 

Thứ năm, thắng lợi của Cách mạng tháng Tám năm 1945 và việc thành lập nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa đã tạo nên sức mạnh cho dân tộc Việt Nam giành những thắng lợi mới, thể hiện trong việc thực hiện thắng lợi hai cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp, chống Mỹ, bảo vệ đất nước và sự nghiệp đổi mới hiện nay. Thắng lợi của Cách mạng tháng Tám năm 1945 và việc thành lập nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa là cơ sở để dân tộc Việt Nam giành chiến thắng ở Điện Biên Phủ và chiến thắng mùa Xuân năm 1975, mở ra một thời kỳ tan rã của chủ nghĩa thực dân cũ và chủ nghĩa thực dân mới. Điều đó là sự đóng góp vô cùng to lớn của dân tộc Việt Nam vào tiến trình phát triển của nhân loại, nêu cao vị trí quốc tế của Việt Nam.

 

Thứ sáu, thắng lợi của Cách mạng tháng Tám năm 1945 và việc thành lập nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa để lại nhiều bài học kinh nghiệm sâu sắc trong sự nghiệp đổi mới, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc ngày nay, bao gồm: Bài học về xây dựng và phát triển khối đại đoàn kết toàn dân; Bài học về sức mạnh toàn dân tộc kết hợp với sức mạnh thời đại; Bài học về việc tranh thủ thời cơ, nắm bắt thời cơ. 70 năm trước là thời cơ phát động toàn dân tiến hành Tổng khởi nghĩa giành thắng lợi, giành chính quyền, nay là thời cơ để phát triển đất nước, là đẩy mạnh sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa và hội nhập quốc tế, là bài học về xây dựng Đảng trong sạch, vững mạnh đủ sức lãnh đạo sự nghiệp đổi mới thành công.

 

Kỷ niệm 70 năm Cách mạng tháng Tám và Quốc khánh 2/9 là dịp chúng ta ôn lại chặng đường đất tranh gian khổ nhưng hết sức vẻ vang của Đảng và nhân dân Việt Nam. Sau gần 30 năm thực hiện công cuộc đổi mới, đất nước đã đạt được nhiều thành tựu to lớn về chính trị, kinh tế, xã hội, đối ngoại, quốc phòng, an ninh,... nhưng đang đứng trước nhiều khó khăn, thử thách. Vì vậy, việc phát huy tinh thần Cách mạng tháng Tám và Quốc khánh 2-9 là cần thiết hơn bao giờ hết, để có thể xây dựng được một nước Việt Nam hòa bình, độc lập, thống nhất, dân chủ và giàu mạnh như nguyện vọng của Chủ tịch Hồ Chí Minh, cũng như nguyện vọng của toàn thể dân tộc Việt Nam.

 

Các tin cũ hơn.............................

Giáo sư Văn Tạo (1926 - 2017) (12/04/2017)

Giáo sư Văn Tạo, tên thật là Nguyễn Xuân Đào, sinh ngày 29 tháng 4 năm 1926, tại La Tỉnh, huyện Tứ Kỳ, tỉnh Hải Dương, công tác ở Ban Văn Sử Địa từ ngày 8 tháng 12 năm 1953 đến năm 1960, ở Viện Sử học từ năm 1960 đến tháng 12 năm 1999 nghỉ hưu. Công tác Đảng từ năm 1953, Đảng ủy viên Đảng ủy Ủy ban Khoa học Nhà nước (nay là Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam) 1959-1960.