Các nhà khoa học, giảng viên thuộc nhiều cơ quan nghiên cứu và đào tạo từ Hà Nội, Huế, Lào Cai, Cao Bằng, Cần Thơ, Quy Nhơn, Nghệ An, Hải Dương, Thái Nguyên, Nam Định, Thanh Hoá… đã gửi 52 tham luận tới Hội thảo.
Những kết quả nghiên cứu gửi tới Hội thảo cho thấy sự quan tâm của xã hội nói chung và của những người làm sử, dạy sử nói riêng và những ý tưởng cho giải pháp trước thực trạng dạy và học môn sử hiện nay. Vấn đề thiết kế, biên soạn chương trình, sách giáo khoa Lịch sử phù hợp với trình độ nhận thức và tâm lí lứa tuổi học sinh được các nhà khoa học nghiên cứu, so sánh với sách giáo khoa ở một số nước khác (Pháp, Mỹ, Canađa, Nhật Bản, Rumani…). Các kết quả nghiên cứu chỉ ra rằng: Cần có nhiều cách tiếp cận với những vấn đề lịch sử cũng như cần thêm nhiều phương pháp và phương tiện để truyền tải những kiến thức lịch sử tới người học một cách sinh động. Một số vấn đề về thực hiện giờ dạy môn lịch sử ở các trường phổ thông như thế nào để gây hứng thú cho học sinh với môn học, kích thích học sinh chủ động và sáng tạo khi học sử cũng được nêu và tranh luận tại Hội thảo nhằm tìm ra những biện pháp tích cực cho việc nghiên cứu và giảng dạy lịch sử. Các nhà khoa học dự Hội thảo cũng nêu lên sự cần thiết của việc mở rộng hợp tác quốc tế trong việc nghiên cứu và giảng dạy lịch sử trong bối cảnh hội nhập toàn cầu của đất nước nói chung và ngành sử nói riêng.
Hội thảo cũng là một trong nhiều hoạt động kỷ niệm 60 năm ngày thành lập Khoa Lịch sử, Trường Đại học Sư phạm Hà Nội.
Thái Hà