Các đồng chí: Lê Khả Phiêu, nguyên Tổng Bí thư; Đinh Thế Huynh, ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư T.Ư Đảng, Trưởng ban Tuyên giáo T.Ư và đại diện các cơ quan nghiên cứu, các nhà khoa học, các đồng chí lão thành cách mạng; đại diện các bộ, ngành ở T.Ư; các tỉnh ủy, Thành ủy và gia đình đồng chí Lê Đức Thọ đã dự Hội thảo. Hội thảo đã nhận được 65 tham luận với những luận chứng, luận cứ làm sáng tỏ hơn những cống hiến của đồng chí Lê Đức Thọ với sự nghiệp cách mạng Việt Nam và quê hương Nam Định.
Đồng chí Lê Đức Thọ, tên thật là Phan Đình Khải, sinh ngày 10-10-1911 tại thôn Địch Lễ, tổng Nam Vân (nay là phường Nam Vân, Thành phố Nam Định). Tham gia những hoạt động yêu nước từ khi còn đi học, đồng chí Lê Đức Thọ sớm thuộc lớp đảng viên đầu tiên của Đảng, tích cực hoạt động trong các phong trào cách mạng, có nhiều đóng góp trong thắng lợi vĩ đại của Cách mạng Tháng Tám 1945. Trong hai cuộc kháng chiến chống Pháp và chống Mỹ, đồng chí Lê Đức Thọ là một trong những cán bộ lãnh đạo chủ yếu của Đảng ở Nam Bộ, có nhiều cống hiến trong sự nghiệp giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước.
Công tác tổ chức của Đảng là sự nghiệp hầu như gắn bó suốt cả cuộc đời hoạt động cách mạng của đồng chí Lê Đức Thọ. Đồng chí đã chỉ đạo công tác nghiên cứu, tập hợp, biên soạn dự thảo các văn kiện của Đảng tại các Đại hội lần thứ III, IV, V, VI của Đảng và đã có nhiều đóng góp về cả lý luận và thực tiễn trên lĩnh vực xây dựng Đảng. Đồng chí Lê Đức Thọ còn là nhà ngoại giao có tầm nhìn chiến lược, khôn khéo, kiên quyết về nguyên tắc, linh hoạt về sách lược. Hoạt động ngoại giao của đồng chí Lê Đức Thọ tại Hội nghị Pa-ri để lại những bài học kinh nghiệm quý cho nền ngoại giao Việt Nam. Đồng chí cũng là một nhà thơ cách mạng với đề tài xuyên suốt là vẻ đẹp và tình yêu thương đất nước, nhân dân, bộ đội.
Với 64 năm hoạt động kiên cường, liên tục, đồng chí Lê Đức Thọ là một cán bộ lãnh đạo tài năng về nhiều mặt, có nhiều cống hiến cho sự nghiệp cách mạng của Đảng và dân tộc.
Vương Anh