Trong hai ngày 4-5/11/2011, Học viện Ngoại giao và Hội Luật gia Việt Nam đã tổ chức Hội thảo Quốc tế “Biển Đông: Hợp tác vì an ninh và phát triển trong khu vực”, với sự tham gia của 180 đại biểu các nước Trung Quốc, Anh, Pháp, Mỹ, úc, ấn Độ, Thụy Điển, Bỉ, Nhật Bản, Hàn Quốc, Singapore, Indonesia, Philipines và Việt Nam, các quan sát viên từ các bộ ngành của Việt Nam, nhân viên ngoại giao các nước tại Việt Nam, thành viên Hội Luật gia Việt Nam và đại diện Học viện Ngoại giao. Có 31 tham luận và hơn 70 ý kiến được đưa ra qua 8 phiên làm việc của Hội thảo.
Trong lời phát biểu khai mạc, ông Đặng Đình Quý-Giám đốc Học viện Ngoại giao cho biết: "Năm 2011 đánh dấu bước đột phá trong việc trao đổi các thông tin về Biển Đông. Điều này thể hiện qua con số 15 hội thảo quốc tế về vùng biển này được tổ chức trong năm nay, gần gấp bốn lần con số của hai năm trước. Bản chất của tranh chấp trên Biển Đông cũng như các vụ việc xảy ra tại đây sẽ được phân tích, đánh giá trên tinh thần khoa học, khách quan để dư luận trong nội bộ từng bên liên quan đến tranh chấp và dư luận quốc tế có thông tin đầy đủ và nhiều chiều hơn".
Các đại biểu tham dự Hội thảo khẳng định rằng vấn đề biển Đông thực sự mang ý nghĩa toàn cầu. Trong bối cảnh toàn cầu hóa, an ninh quốc tế là không thể chia cắt, lợi ích của các nước ở khu vực và trên thế giới đan xen lẫn nhau, sự phát triển của khu vực này có ảnh hưởng tới sự phát triển của các khu vực khác, do vậy bảo đảm an ninh, an toàn và tự do hàng hải là vấn đề mang tính sống còn không chỉ đối với các nước trong khu vực, mà còn có ý nghĩa rất quan trọng đối với nhiều nước trên thế giới. Vừa qua, vào trung tuần tháng 10, hai hội thảo về Biển Đông đã diễn ra tại Philippines và Malaysia.
Các nước lớn như Mỹ, Nga, ấn Độ... đều có lợi ích, ở những mức độ khác nhau, trong vấn đề biển Đông. Trong bối cảnh Mỹ đang chuyển dần trọng tâm chiến lược sang khu vực châu á-Thái Bình Dương, Mỹ đang và sẽ dành ưu tiên ngày càng cao hơn cho các vấn đề như tự do, an toàn hàng hải và giải quyết hòa bình các tranh chấp ở Biển Đông.
Cũng theo Thông cáo báo chí nêu ra sau khi kết thúc Hội thảo thì Công ước về Luật biển của Liên Hiệp Quốc năm 1982, UNCLOS, được các đại biểu nhấn mạnh về vai trò giúp kiềm chế và quản lý các mối đe dọa đối với an ninh và an toàn hàng hải trên biển. Cụ thể UNCLOS có thể giúp làm sáng tỏ chủ quyền của các bên có tranh chấp tại khu vực này.
P.V