Trên cương vị người đứng đầu đất nước, Trần Nhân Tông (1258 - 1308) nổi danh trong lịch sử dân tộc là vị vua hiền minh với những chiến công hiển hách chống ngoại xâm. Trong 15 năm ở ngôi trị quốc (1278 - 1293), Trần Nhân Tông là vị vua luôn lấy dân - nước làm trọng, tạo nền phát triển đất nước, củng cố vị thế quốc gia... Ông là nhà chính trị, nhà quân sự đã đoàn kết quân dân Đại Việt hai lần chiến thắng giặc Nguyên Mông (các năm 1285 và 1288). Ông là nhà ngoại giao, nhà văn hóa có nhiều công lao trong việc mở mang củng cố vị thế của quốc gia Đại Việt và để lại nhiều tác phẩm có giá trị văn hóa, văn học và lịch sử.
Năm 1293, xuất gia hoằng pháp, ông là nhà cách tân Phật pháp vĩ đại trong thế kỷ XIII - khai mở dòng thiền Trúc Lâm - Yên Tử thuần Việt, giáo hóa con người theo hướng tự hoàn thiện, gắn kết đạo - đời theo hướng nhập thế tích cực Vui đạo giữa đời thường, Phật trong Tâm; tinh giản đường tu, giác ngộ cõi phúc lạc, tìm thấy niết bàn ngay nơi trần thế, chống mê tín dị đoan... Trên lĩnh vực tinh thần - tôn giáo, Trần Nhân Tông có nhiều đóng góp cho sự phát triển Phật giáo Việt Nam. Ông là nhà tư tưởng lớn đã vượt qua thời đại mình và để lại nhiều dấu ấn sâu sắc trong lịch sử tư tưởng Việt Nam.
Các nhà nghiên cứu đều thống nhất rằng: Trong đời sống hiện nay, vẫn cần nhìn nhận thêm những ảnh hưởng của cái “Tâm” Phật giáo - cả những ảnh hưởng tích cực lẫn những hạn chế nhất định. Cần có những giải pháp phù hợp để phát huy giá trị tích cực “Tâm từ”, “Tâm bi” ở mỗi người; thực hành những hành vi đạo đức của cá nhân trong đời sống hằng ngày cần xuất phát từ “tâm tốt”, “tâm hướng thiện”; khắc phục những tác động tiêu cực, chống việc lợi dụng “tâm” Phật gây ảnh hưởng xấu... Tinh thần Phật tại Tâm của Trần Nhân Tông và “Con đường chính pháp” của ông có thể được thế hệ trẻ hôm nay tiếp cận từ triết lý Vui đạo giữa đời thường, đề cao khát vọng cống hiến, trách nhiệm công dân, tinh thần sống hữu ích cho đất nước, xây dựng đời sống cá nhân là đời sống xã hội trong sáng, tốt đẹp hơn...
T.H