88 bản tham luận tham gia Hội thảo đã nghiên cứu làm rõ các chủ đề như: Ảnh hưởng truyền thống quê hương, gia đình tới sự hình thành tư tưởng và nhân cách cộng sản của đồng chí Võ Văn Kiệt; Tấm gương sáng về tinh thần rèn luyện, học hỏi, năng động và sáng tạo; Những hoạt động, cống hiến của đồng chí Võ Văn Kiệt với Đảng Cộng sản Việt Nam và cách mạng Việt Nam; Tình cảm của đồng chí Võ Văn Kiệt với quê hương Vĩnh Long, và của nhân dân Vĩnh Long với đồng chí Võ Văn Kiệt.
Đồng chí Võ Văn Kiệt (tên khai sinh là Phan Văn Hòa, bí danh Sáu Dân) sinh ngày 23-11-1922 tại xã Trung Hiệp, huyện Vũng Liêm, tỉnh Vĩnh Long. Năm 1938, đồng chí đã tham gia hoạt động trong phong trào Thanh niên phản đế. Tháng 11-1939, đồng chí là đảng viên Đảng Cộng sản Đông Dương, tham gia lãnh đạo cuộc Khởi nghĩa Nam Kỳ ở huyện Vũng Liêm, tỉnh Vĩnh Long. Sau khởi nghĩa Nam Kỳ, đồng chí Võ Văn Kiệt hoạt động tại vùng U Minh thuộc tỉnh Rạch Giá (nay thuộc tỉnh Kiên Giang). Từ năm 1941 - 1945, đồng chí là ủy viên Tỉnh ủy lâm thời Rạch Giá.
Sau năm 1945, đồng chí Võ Văn Kiệt được cử làm ủy viên Chính trị dân quân cách mạng liên tỉnh Tây Nam Bộ, lãnh đạo nhân dân các tỉnh Rạch Giá, Bạc Liêu, Cà Mau... tiến hành cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp xâm lược. Sau năm 1954, đồng chí được Đảng phân công bí mật ở lại miền Nam. Năm 1955, đồng chí là Ủy viên Xứ ủy Nam Bộ. Tại Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ III của Đảng (9-1960), đồng chí được bầu làm Ủy viên dự khuyết Ban chấp hành Trung ương Đảng và từ năm 1972 là Ủy viên chính thức Ban chấp hành Trung ương Đảng (khóa III). Từ năm 1973 đến 1975, đồng chí Võ Văn Kiệt là Ủy viên Thường vụ Trung ương Cục miền Nam.
Sau ngày Tổ quốc thống nhất, trên cương vị Phó Bí thư Thành ủy Chủ tịch Ủy ban Nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh, đồng chí đã có những quyết sách năng động, phù hợp với tình hình thực tiễn, tháo gỡ dần khó khăn, đưa Thành phố Hồ Chí Minh đi vào ổn định.
Tại kỳ họp thứ nhất Quốc hội khóa IX (1992), đồng chí được bầu là Thủ tướng Chính phủ nước CHXHCN Việt Nam. Thủ tướng Võ Văn Kiệt đã chỉ đạo các cấp, các ngành, thực hiện thành công đường lối đổi mới của Đảng. giữ vững ổn định, đưa Việt Nam thoát khỏi khủng hoảng kinh tế, bước đầu thiết lập sự liên kết kinh tế với các nước trong khu vực và thế giới, đưa đất nước bước vào thời kỳ hội nhập và phát triển. Đồng chí Võ Văn Kiệt được ghi nhận, đánh giá là một trong những người đi đầu trong công cuộc đổi mới ở Việt Nam, là "tổng công trình sư" của nhiều dự án táo bạo trong thời kỳ Đổi mới.
Ngô Vương Anh