Sau một thời gian dài chuẩn bị, Ban tổ chức Hội thảo đã nhận được hơn 1.700 đăng kí tham gia và tóm tắt báo cáo, Ban tổ chức đã tuyển chọn được gần 1.000 tham luận có chất lượng chuyên môn của các nhà nghiên cứu đến từ 36 quốc gia và vùng lãnh thổ.
Trong phiên khai mạc, Hội thảo có sự tham gia của hơn 800 nhà khoa học trong nước và hơn 200 học giả quốc tế và cũng lần đầu tiên có sự tham gia của các nhà khoa học đến từ Mông Cổ và Băngladét. Đặc biệt hơn, Hội thảo còn vinh dự được chào đón sự hiện diện của Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng.
Hội thảo Quốc tế Việt Nam học lần thứ tư là diễn đàn khoa học lớn, có uy tín, quy tụ các nhà nghiên cứu hàng đầu về Việt Nam trên toàn thế giới. Ngoài phiên toàn thể, Hội thảo chia làm 3 phiên thảo luận riêng của 15 tiểu ban, đó là: 1. Lịch sử Việt Nam: Truyền thống và hiện đại; 2. Văn hóa và giao lưu văn hóa trong hội nhập và phát triển bền vững; 3. Kinh tế Việt Nam trong hội nhập và phát triển bền vững; 4. Phát triển xã hội và quản lý phát triển xã hội trong hội nhập và phát triển bền vững; 5. Dân tộc và Tôn giáo trong hội nhập và phát triển bền vững; 6. Môi trường và phát triển bền vững trong bối cảnh biến đổi khí hậu; 7. Hệ thống pháp luật Việt Nam trong thời đại pháp quyền vì mục tiêu phát triển bền vững; 8. Ngôn ngữ, Văn học và Nghệ thuật Việt Nam trong hội nhập và phát triển bền vững; 9. Giáo dục, khoa học công nghệ và phát triển con người Việt Nam trong hội nhập và phát triển bền vững; 10. Nông thôn Việt Nam trong hội nhập và phát triển bền vững; 11. Di cư và đô thị hóa trong bối cảnh hội nhập và phát triển bền vững; 12. Đào tạo Việt Nam học trong hội nhập và phát triển bền vững; 13. Các vấn đề nghiên cứu khu vực; 14. Quan hệ quốc tế của Việt Nam trong hội nhập và phát triển bền vững; 15. Tư liệu về Việt Nam - Cách tiếp cận và phương pháp nghiên cứu Việt Nam học.
Phát biểu chào mừng Hội thảo, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng nhấn mạnh, Hội thảo Quốc tế Việt Nam học: "Là dịp để các nhà khoa học nói chung và Chính phủ Việt Nam nói riêng chia sẻ kết quả nghiên cứu, kinh nghiệm phát triển, các tri thức mới về đất nước Việt Nam không ngừng phát triển dựa trên thế và lực mới; góp phần làm cho thế giới biết đến Việt Nam không chỉ như một tấm gương về đấu tranh anh dũng, giành độc lập dân tộc, thống nhất đất nước, có nền văn hóa tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc với nhiều công trình văn hóa, di sản thiên nhiên, di sản văn hóa nổi tiếng, có khả năng chinh phục những đỉnh cao của khoa học, mà còn là một Việt Nam hội nhập và phát triển thành công. Đồng thời đây cũng là cơ hội để chúng ta thấy được sự lớn mạnh của mạng lưới nghiên cứu Việt Nam học trên toàn thế giới".
Trên cơ sở những phương pháp và cách tiếp cận mới, nhiều khám phá khoa học đã được ghi nhận tại Hội thảo bao gồm những vấn đề về chiến lược phát triển, chiến lược an ninh quốc gia và quan hệ quốc tế để nhận diện rõ hơn thực trạng phát triển kinh tế, văn hóa, xã hội của đất nước. Không chỉ nhiều ý tưởng học thuật mới đã được chia sẻ, mà nhiều nguồn thông tin hữu ích, nhiều tư liệu mới phát hiện cũng được giới thiệu tại Hội thảo.
Các kết quả nghiên cứu trình, bày tại Hội thảo cho thấy mối quan tâm của các nhà Việt Nam học trong và ngoài nước ngày càng gần hơn với thực tiễn phát triển của đất nước. Bên cạnh những nghiên cứu cơ bản vốn đã khẳng định được uy tín học thuật, thì giờ đây, các nghiên cứu ứng dụng và thực chứng đang mang lại diện mạo và giá trị mới. Đây là xu hướng mới của ngành Việt Nam học và là điểm khác biệt quan trọng của Hội thảo này...
Từ những kết quả thảo luận tại các tiểu ban cũng như các ý kiến đóng góp, giải pháp đề xuất của các nhà nghiên cứu, là cơ sở khoa học tin cậy để Viện Khoa học xã hội Việt Nam và Đại học Quốc gia Hà Nội tổng hợp và báo cáo lên Đảng và Nhà nước, lấy đó làm cơ sở lý luận phục vụ quá trình phát triển đất nước.
P.V