Nguyễn Cao (1837-1887), tên thật là Nguyễn Thế Cao, hiệu Trác Phong, Trác Hiên, Cách Pha, người làng Cách Bi, huyện Quế Võ, tỉnh Bắc Ninh. Ông là một trong những thủ lĩnh xuất sắc nhất của phong trào kháng Pháp ở Bắc Kỳ cuối thế kỷ 19. Hai lần Pháp tiến đánh Bắc Kỳ vào các năm 1873, 1882, Ông đã cùng nhân dân Hà Nội và Bắc Ninh giương cao ngọn cờ chống Pháp và giành được nhiều thắng lợi trên mặt trận quân sự. Nhân dân Kinh Bắc truyền tụng công lao của ông trong những trận tiễu phỉ, giành lại bình yên cho xóm làng. Bên cạnh đó, ông còn đảm nhiệm nhiều trọng trách trong triều đình, và tại các tỉnh Bắc Giang, Nam Định, Thái Nguyên, Cao Bằng. Nhưng dù ở đâu và với cương vị nào, ông luôn là một vị quan có tài “kinh bang tế thế”, thanh liêm, hết lòng yêu thương nhân dân. Ông còn được biết đến với vai trò là một nhà giáo mẫu mực và một nhà thơ, một nhà văn hóa của xứ Kinh Bắc với hàng chục các trước tác thơ văn được truyền tụng cho đến ngày nay. Xuyên suốt cuộc đời mình, Nguyễn Cao là tấm gương sáng về ý chí kiên cường, vượt lên hoàn cảnh sống và một khí phách kiên trung lẫm liệt, một tấm lòng suốt đời vì dân vì nước. Để tưởng nhớ thủ lĩnh Nguyễn Cao, nhiều địa phương đã lập đền thờ hoặc tôn ông là Thành hoàng. Sau này, những con phố mang tên Nguyễn Cao lần lượt xuất hiện tại Hà Nội, Thành phố Hồ Chí Minh và Bắc Ninh. Nhiều trường học trên cả nước tự hào được mang tên ông.
Tuy nhiên, cho đến nay, vẫn chưa có công trình chuyên khảo nào nghiên cứu toàn diện về cuộc đời và sự nghiệp danh nhân Nguyễn Cao. Đây là hội thảo khoa học đầu tiên được tổ chức tại huyện Quế Võ – quê hương ông nhằm khẳng định vị trí lịch sử và tôn vinh tài năng, phẩm chất, tinh thần và khí phách yêu nước của Nguyễn Cao, đồng thời góp phần giáo dục phẩm chất đạo đức, lòng yêu nước cho các tầng lớp nhân dân.
Hội thảo thu hút 25 bản tham luận của các tác giả, nhà nghiên cứu quan tâm tới danh nhân Nguyễn Cao. Các tham luận Hội thảo tập trung làm rõ 4 nội dung sau:
Một là, hoàn cảnh gia đình và những ảnh hưởng của nhà trường đối với sự hình thành và phát triển tư tưởng yêu nước và ý chí kiên trung bất khuất của Nguyễn Cao.
Hai là, vai trò và vị trí của cuộc khởi nghĩa do Nguyễn Cao chỉ huy đối với phong trào kháng Pháp ở Bắc Kỳ cuối thế kỷ 19.
Ba là, giá trị tư tưởng, giá trị nghệ thuật và những ảnh hưởng của thơ văn Nguyễn Cao đối với trào lưu thơ văn yêu nước cuối thế kỷ 19 ở nước ta.
Bốn là, vấn đề trùng tu tôn tạo, sưu tầm tư liệu, hiện vật liên quan đến Nguyễn Cao.
Bùi Thị Hà