Ngày 28/11/2021, tại Hà Nội, Quỹ Giải thưởng Sử học Phạm Thận Duật đã kết hợp với Hội Khoa học Lịch sử Việt Nam tổ chức lễ tưởng niệm 136 năm ngày mất danh nhân Phạm Thận Duật (29/11/1885) và trao Giải thưởng Sử học Phạm Thận Duật lần thứ 22 cho những Luận án Tiến sĩ khoa học Lịch sử đã được bảo vệ đạt kết quả xuất sắc trong năm qua.

Trong lần xét Giải thưởng Sử học Phạm Thận Duật thứ 22 (năm 2021), có 6 Luận án Tiến sĩ Sử học xuất sắc nhất đã được lựa chọn để trao Giải. Đây là những Luận án Tiến sĩ đã được bảo vệ cấp Nhà nước đạt kết quả xuất sắc và được các cơ sở đào tạo thẩm định trước khi gửi đến Quỹ Giải thưởng Sử học Phạm Thận Duật để Hội đồng chấm giải của Quỹ “chấm” một lần nữa trước khi trao giải. Kết quả, Hội đồng xét Giải thưởng đã chọn ra các giải như sau:

- Giải Nhất: 1 giải Nhất, Luận án “Giáo dục miền Nam Việt Nam dưới thời chính quyền Sài Gòn”, của TS. Nguyễn Kim Dung, cơ quan công tác Nhà Xuất bản Khoa học xã hội-Viện Hàn lâm KHXH Việt Nam; cơ sở đào tạo: Trường Đại học Khoa học xã hội & Nhân văn - Đại học Quốc gia Hà Nội.

- Giải Nhì: 2 giải Nhì, được trao cho Luận án “Y tế dân sự ở miền Bắc Việt Nam từ năm 1954 đến năm 1975”, của TS. Nguyễn Thị Dung Huyền, cơ quan công tác Viện Sử học-Viện Hàn lâm KHXH Việt Nam; cơ sở đào tạo: Học viện Khoa học xã hội-Viện Hàn lâm KHXH Việt Nam, và Luận án “Hoạt động khai thác và bảo vệ chủ quyền quần đảo Hoàng Sa của chính quyền Việt Nam Cộng hòa (1954-1975)", của TS. Lưu Anh Rô, cơ quan công tác Ban Tuyên giáo Thành ủy Đà Nẵng; cơ sở đào tạo: Đại học Khoa học-Đại học Huế.

- Giải Ba: 3 giải ba được trao cho các Luận án: “Chính sách của Mỹ đối với Iran từ năm 1979 đến năm 2016”, của TS. Nguyễn Thu Hạnh, cơ quan công tác Viện Sử học, Viện Hàn lâm KHXH Việt Nam; cơ sở đào tạo: Học viện Khoa học xã hội-Viện Hàn lâm KHXH Việt Nam; Luận án: “Hoạt động của các đoàn chuyên gia quân sự Việt Nam tại Lào từ năm 1959 đến năm 1975”, của TS. Lê Văn Phong, cơ quan công tác Viện Sử học-Viện Hàn lâm KHXH Việt Nam; cơ sở đào tạo: Học viện Khoa học xã hội-Viện Hàn lâm KHXH Việt Nam; Luận án: “Thành Thăng Long - Hà Nội (1802-1897)”, của TS. Công Phương Khương, cơ quan công tác và cơ sở đào tạo: Viện Lịch sử quân sự Việt Nam-Bộ Quốc phòng.

Viện Sử học đã có 3 luận án vinh dự được xướng danh và nhận Giải thưởng của Quỹ Giải thưởng Sử học Phạm Thận Duật. Website Viện Sử học trân trọng gửi lời chúc mừng nồng nhiệt tới các tác giả của Luận án có tên trong danh sách trao giải nêu trên.

P.V