Ngày 15-1-2011, Ban Quản lý các Di tích trọng điểm tỉnh Quảng Ninh và Viện Khảo cổ học (Viện KHXHVN) đã tổ chức Hội nghị Báo cáo sơ bộ kết quả khai quật, nghiên cứu Khảo cổ học Di tích Đền Thái và Di chỉ mộ táng Nghĩa Hưng (huyện Đông Triều, tỉnh Quảng Ninh). Tham dự Hội nghị có các nhà khoa học đến từ Viện Khảo cổ học, Viện Sử học, Cục Di sản Văn hóa (Bộ VH-TT&DL), cùng các nhà nghiên cứu, quản lý của tỉnh Quảng Ninh và huyện Đông Triều.
Di tích Đền Thái đã được khai quật từ năm 2008 và đến năm 2009 và 2010 tiếp tục được khai quật. Kết quả cho thấy, Đền Thái xuất lộ vết tích kiến trúc qua hai thời kỳ: Trần và Nguyễn, nhưng đậm đặc hơn vẫn là dấu vết kiến trúc của thời Trần. Dấu vết kiến trúc tại đây bao gồm khu trung tâm và khu ngoại vi; có khu vực tiền đường, trung đường và hậu đường. Di vật trong Đền Thái có gạch, ngói cánh sen, ngói mũi lá, đầu đao, chân tảng, gốm men thời Trần… Việc xác định chức năng của Đền Thái vẫn cần tiếp tục nghiên cứu, nhưng theo suy đoán, có thể đây chính là nơi thờ các vị vua đầu triều Trần.
Di chỉ mộ táng Nghĩa Hưng được phát hiện tình cờ vào ngày 12-12-2010 khi nhân dân địa phương đang san gạt đất vườn. Kết quả khai quật cho thấy, mộ có mặt bằng hình chữ “T”, huyệt đạo dài 8,2m, rộng 4m; huyệt mộ dài 7,2m, rộng 5,7m. Do mộ đã bị múc phá, nhưng vết tích còn lại vẫn đủ để nhận rõ hai lớp quách trong (dài 3,2m; rộng 1,4m) và ngoài (dài 4,6m; rộng 2,9m; cao 2,2m). Vật liệu được sử dụng trong mộ chủ yếu là gỗ. Các nhà nghiên cứu cho rằng, mộ Nghĩa Hưng có những điểm tương đồng với mộ Phần Cựu (Tam Đường-Thái Bình), mộ Hải Triều (Hưng Hà-Thái Bình). Nhận định ban đầu cho rằng, có thể đây là ngôi mộ thời Trần thuộc tầng lớp quý tộc.
Đỗ Ngôn Xuyên