PGS.TS Chương Thâu (1935-2025)
PGS.TS. Chương Thâu, tên thật là Nguyễn Chương Thâu sinh ngày 10-4-1935 tại xã Tân Lộc, huyện Can Lộc, tỉnh Hà Tĩnh. Thân phụ ông là cụ Nguyễn Biểu, thân mẫu là cụ Nguyễn Thị Cư. Thân phụ ông là một cán bộ tham gia Tân Việt cách mạng Đảng, sau này hợp nhất thành Đảng Cộng sản Việt Nam cả gia đình cụ đã tham gia tích cực trong phong trào Xô Viết Nghệ Tĩnh và cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp trường kỳ của dân tộc, được Đảng và Nhà nước tặng danh hiệu Gia đình có công với nước. Sinh ra và lớn lên trong một gia đình yêu nước, một quê hương giàu truyền thống cách mạng, ông đã sớm trau dồi lòng yêu nước, xác định trách nhiệm của người dân đối với đất nước, nên trong kháng chiến chống Pháp, mặc dù còn là thanh niên đang theo học phổ thông nhưng ông đã tích cực tham gia phong trào Thanh niên cứu quốc, phong trào Bình dân học vụ ở quê hương, được tặng danh hiệu chiến sĩ diệt giặc ở Hà Tĩnh.
Tháng 10-1954, ông được Đảng, Nhà nước cử đi học lớp sư phạm ngoại ngữ Trung văn thuộc Khu Học xá Trung ương ở Nam Kinh Trung Quốc. Cuối năm 1956, ông trở về nước và được phân công dạy Trung văn tại Khoa Lịch sử trường Đại học Tổng hợp Hà Nội. Cũng trong thời gian này, do yêu thích lịch sử dân tộc, ông vừa dạy Trung văn vừa tham gia lớp tại chức Lịch sử tại Khoa Lịch sử của trường. Ba năm sau (1959), ông được nhận bằng Cử nhân Lịch sử, rồi chuyển sang giảng dạy lịch sử tại khoa. Cuối năm 1965, ông chuyển về làm cán bộ nghiên cứu tại Viện Triết học thuộc Ủy ban Khoa học xã hội Việt Nam, chuyên nghiên cứu về lịch sử tư tưởng Việt Nam. Ông là người đầu tiên nghiên cứu về Thám hoa Nguyễn Đức Đạt, một danh nhân của quê hương và trường Lam Sơn (Hà Tĩnh) nơi đã đào tạo nhiều sĩ phu yêu nước như: Ngô Đức Kế, Đặng Nguyên Cẩn, Nguyễn Sinh Sắc, Phan Bội Châu... Sau đó, ông làm Nghiên cứu sinh triết học tại Ủy ban Khoa học xã hội Việt Nam. Năm 1981, ông bảo vệ thành công Luận án Phó Tiến sĩ khoa học lịch sử “Phan Bội Châu con người và sự nghiệp cứu nước”. Cuối năm 1980, để chuyên tâm nghiên cứu về lịch sử, ông đã chuyển công tác về Ban Lịch sử Cận đại Viện Sử học thuộc Ủy ban Khoa học xã hội Việt Nam (nay là Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam) và công tác tại đó đến khi nghỉ hưu với cương vị Nghiên cứu viên Cao cấp, Trưởng ban Lịch sử Cận đại.
Mặc dù Nhà nước cho nghỉ hưu sau những năm miệt mài cống hiến, nhưng ông vẫn tiếp tục nghiên cứu không ngừng nghỉ và chỉ dừng viết khi sức yếu không còn đi lại được. Hơn 60 năm tìm tòi, miệt mài nghiên cứu triết học, lịch sử, văn học trên nhiều lĩnh vực: Lịch sử tư tưởng Việt Nam, Phong trào yêu nước chống Pháp cuối thế kỷ XIX đầu thế kỷ XX, Phong trào Cần Vương, Phong trào Đông Du, Phong trào Đông Kinh Nghĩa Thục, Những đề nghị cải cách của Nguyễn Trường Tộ, Nhân vật lịch sử và danh nhân đất Việt, Lịch sử quan hệ Việt - Trung, Lịch sử quan hệ Việt - Nhật, Xu hướng ôn hòa và xu hướng bạo động, Thơ văn yêu nước Việt Nam cuối thế kỷ XIX đầu thế kỷ XX... nhưng có lẽ mảng nghiên cứu mà ông tâm đắc và giành nhiều thời gian nhất là nghiên cứu về tư tưởng yêu nước, con người và sự nghiệp của Phan Bội Châu, nhà yêu nước chống Pháp nổi tiếng của Việt Nam đầu thế kỷ XX. Với hàng chục tác phẩm, bài nghiên cứu luận văn, báo về Phan Bội Châu và đặc biệt là bộ Phan Bội Châu toàn tập (10 tập) đồ sộ do chính ông sưu tầm, tập hợp và biên soạn. Bởi vậy, ông được giới Sử học và Triết học suy tôn là Nhà Phan Bội Châu học.
Hơn 60 năm miệt mài nghiên cứu, PGS.TS Chương Thâu đã để lại cho kho tàng sử học, triết học và văn học Việt Nam một khối lượng tác phẩm đồ sộ. Không những nghiên cứu mà PGS.TS Chương Thâu còn biên dịch, chú giải hiệu đính và đặc biệt là sưu tầm, tập hợp, hệ thống, công bố nhiều nguồn sử liệu quan trọng, góp phần đánh giá những sự kiện và nhân vật lịch sử theo tinh thần ngày càng khách quan, trung thực và chính xác hơn.
Hơn 60 năm cống hiến, ông đã để lại gần 10 cuốn sách chuyên khảo, viết riêng; trên 70 cuốn sách viết chung, trên 80 bài viết đăng trên tạp chí khoa học chuyên ngành; Dịch - Hiệu đính - Chú giải - Toàn tập - Tuyển tập hơn 30 đầu sách; trên 30 sách biên soạn - tái bản (từ năm 1999-2022). Nổi bật phải kể đến: Phan Bội Châu nhà yêu nước nhà văn hóa lớn, Phan Bội Châu toàn tập, lịch sử Việt Nam 1897-1918, Tổng tập văn học Việt Nam... Thật là một thành tựu đáng ngưỡng mộ và kính trọng, nhưng có lẽ điều chúng ta ngưỡng mộ và kính trọng nhất ở PGS.TS. Chương Thâu không chỉ ở khối lượng trước tác đồ sộ mà còn là tinh thần làm việc chăm chỉ, miệt mài nghiêm túc, luôn tôn trọng phương pháp luận, tính khách quan, tính lịch sử và nguồn sử liệu. Ông đã từng nói: phương pháp luận, tính khách quan, trung thực cộng với nguồn sử liệu và tư duy khoa học là những yếu tố cần thiết của người cán bộ nghiên cứu. Ngoài việc nghiên cứu, ông còn tích cực tham gia giảng dạy, hướng dẫn nghiên cứu sinh. Ông đã hướng dẫn 3 nghiên cứu sinh bảo vệ thành công luận án Phó tiến sĩ. Các học trò của ông sau này đều trở thành những cán bộ lãnh đạo hay nghiên cứu khoa học thành đạt. Với những thành tựu cống hiến cho khoa học và đào tạo, năm 1990 ông được Nhà nước phong tặng học hàm Phó Giáo sư, được tặng thương Huân chương kháng chiến chống Mỹ cứu nước hạng Nhất, Kỷ niệm chương vì sự nghiệp khoa học.
Năm 1963, ông kết hôn với nhà giáo Nguyễn Thị Thanh Xuân, một người vợ rất mực đảm đang, chung thủy. Ngoài công việc giảng dạy quản lý ở trường, bà rất tích cực chăm lo gia đình, nuôi dạy con cái để ông yên tâm công tác. Chính vì vậy, trong những thành công của ông, có phần công lao của người vợ yêu quý. Năm 2000, ông được Nhà nước cho nghỉ hưu theo chế độ, về chung sống cùng gia đình tại số 7 ngõ 180 Phố Thái Thịnh, phường Láng Hạ, quận Đống Đa, TP. Hà Nội, thì cũng chính bà là người chăm sóc ông chu đáo đến hơi thở cuối cùng...
Một số hình ảnh về PGS.TS Chương Thâu:

Tủ sách là những công trình cống hiến hơn 60 năm với nghề của PGS.TS Chương Thâu

Luận án Phó Tiến sĩ (nay là TS) bảo vệ tại Viện Sử học năm 1981 và một số công trình khác của tác giả
PGS.TS Chương Thâu chụp ảnh với đồng nghiệp tỉnh Lạng Sơn nơi ông có công lớn trong biên soạn cuốn sách Địa chí Lạng Sơn (năm 1999)
Ảnh chụp Tất niên cuối năm 2020 cùng các đồng nghiệp đã về hưu tại Viện Sử học
Ảnh chụp cùng các đồng nghiệp (hàng ngồi, PGS. Vũ Huy Phúc, PGS.TS Chương Thâu, PGS.TS Tạ Thị Thúy)