Hội thảo có sự tham dự của các đồng chí lãnh đạo ở Trung ương và các địa phương, các nhà nghiên cứu, nhà khoa học đến từ: Viện Sử học, Viện Lịch sử quân sự Việt Nam, Trường Đại học Sư phạm Hà Nội, Trường Đại học Khoa học xã hội và nhân văn Hà Nội, Trường Đại học Khoa học xã hội và nhân văn TP.HCM, Trường Đại học Đồng Tháp, Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy Đồng Nai…
Ban Tổ chức hội thảo đã nhận được 42 báo cáo, tham luận của các nhà lãnh đạo, nhà khoa học, nhà nghiên cứu đến từ các cơ quan trung ương và một số địa phương. Tại Hội thảo, các đại biểu đã được nghe các nội dung tham luận có chất lượng từ các nhà khoa học, nhà nghiên cứu, lãnh đạo các cơ quan, đơn vị… cụ thể: “Cuộc khởi nghĩa Trương Định trong bối cảnh Việt Nam và Nam kỳ nửa sau thế kỷ XIX” (TS. Nguyễn Thanh Tiến, Trưởng Khoa Lịch sử, Trường Đại học Sư phạm Thành phố Hồ Chí Minh); “Chiến thuật du kích - Điểm sáng trong tài thao lược của Anh hùng dân tộc Trương Định” (của đồng chí Nguyễn Quốc Hùng, Nguyên Bí thư Huyện ủy Gò Công Đông); “Bàn về tính chất cuộc Khởi nghĩa Trương Định” (Đại tá, TS. Lê Thanh Bài, Phó Viện trưởng Viện Lịch sử Quân sự, Bộ Quốc phòng); “Việc thờ cúng, xây đền thờ Anh hùng Trương Định, cấp dưỡng, cấp tuất, xây mộ cho người vợ cả của ông ở Quảng Ngãi” (của đồng chí Cao Văn Chư, Nguyên Phó Giám đốc Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh Quảng Ngãi); “Ý nghĩa, tác động của Khởi nghĩa Trương Định trong phong trào kháng chiến chống thực dân Pháp ở Nam kỳ nửa sau thế kỷ XIX” (của PGS. TS Đinh Quang Hải, nguyên Viện Trưởng Viện Sử học, nguyên Tổng Biên tập Tạp chí Nghiên cứu Lịch sử); “Di tích Mộ và Đền thờ Trương Định - Niềm tự hào của người dân Gò Công” (của đồng chí Giản Bá Huỳnh, Chủ tịch UBND thành phố Gò Công); “Khởi nghĩa Trương Định - Biểu tượng của lòng yêu nước trong lịch sử chống ngoại xâm” (của ThS Nguyễn Văn Biểu, Viện sử học, Viện Hàn lâm Khoa học Xã hội Việt Nam); “Căn cứ lòng dân trong cuộc Khởi nghĩa Trương Định” (của TS. Lê Văn Tý, Hiệu trưởng Trường Chính trị tỉnh Tiền Giang).
Trương Định (1820-1864) là con của Trương Cầm, một võ quan nhỏ của triều Nguyễn. Thuở nhỏ ở tại quê nhà Quảng Ngãi, lớn lên, ông theo gia đình vào lập nghiệp ở Tân An, nay thuộc tỉnh Long An. Ông là người rất thông minh, cương nghị, thông binh thư và giỏi võ nghệ. Vì có công chiêu mộ dân khai hoang lập ấp nên được triều đình cử làm Phó quản cơ đồn điền (Quản Định).
Năm 1859, thực dân Pháp đánh vào Gia Định, Trương Định đã đưa đội quân gồm những nông dân đồn điền ra mặt trận. Nhiều trận quân Pháp bị thua, nhân dân rất mến phục, tin cậy và theo ông rất đông.
Năm 1861, ông đóng đại đồn ở Tân Hoà, Gò Công. Thanh thế và lực lượng của nghĩa quân rất mạnh. Ông thường cho quân đánh các nơi làm quân Pháp nhiều phen khốn đốn. Ông được nhiều sĩ phu yêu nước như Nguyễn Đình Chiểu, Phan Văn Trị đến giúp mưu kế; Hồ Huân Nghiệp, Võ Duy Dương, Phan Văn Đạt đến giúp tổ chức và chỉ huy binh lực. Khi triều đình Huế ký hiệp ước Nhâm Tuất (1862), vua quan nhà Nguyễn đã sai Phan Thanh Giản đến bắt ông phải giải binh, đồng thời thăng cho ông chức lãnh binh và bắt phải đi nhậm chức ở nơi khác. Vì trung quân ái quốc, lúc đầu ông định tuân lệnh, nhưng nhân dân và nghĩa quân giữ ông lại. Họ kéo nhau ra đứng trước ngựa của ông và nhất trí tôn ông làm “Bình Tây đại nguyên soái”. Ông đã vui vẻ nhận chức nhân dân phong tặng, nhận trách nhiệm nhân dân giao phó, quyết tâm kháng chiến chống Pháp đến cùng. Phan Thanh Giản đã phải 4 lần làm trung gian đưa thư của Pháp dụ Trương Định ra hàng, ông đều cự tuyệt và kiên quyết chống Pháp…
Ngày 20-8-1864, giặc Pháp dò biết ông đang ở Kiểng Phước ven sông Soài Rạp, đã cho tên phản bội Huỳnh Công Tấn đem lính đến vây đánh bất ngờ, phát hiện địa điểm Trương Định tại “đám lá tối trời” (Gia Thuận) đem quân bao vây. Trong lúc hỗn chiến, Trương Định bị thương nặng, đã rút gươm tự sát, không để bị giặc bắt. Lúc đó ông 44 tuổi. Địch đem xác Trương Định về phơi nắng tại chợ Gò Công để đe dọa tinh thần nhân dân. Nhưng nhờ uy thế của bà Trần Thị Sanh, địch phải cho gia đình đem xác ông về tổ chức tang lễ. Nhân dân, nghĩa quân, sĩ phu tất cả các nơi đều hết sức thương tiếc và coi ông là một vị anh hùng trong sự nghiệp chống Pháp thời kì đầu xâm lược nước ta…
Cuộc khởi nghĩa cuối cùng dù thất bại, nhưng cuộc kháng chiến do Trương Định chỉ huy chứng tỏ lòng ái quốc của toàn dân, khả năng chiến đấu của quần chúng “và chứng tỏ rằng dân chúng hơn hẳn triều đình, có khả năng thống nhất chỉ đạo cuộc đấu tranh trên một địa bàn rộng lớn mà đây là một điều kiện quan trọng để thắng giặc. Sau Trương Định, còn nhiều cuộc khởi nghĩa (khác ở Nam Bộ), nhưng không có cuộc nào có quy mô rộng rãi bằng…” (Trần Văn Giàu, Chống xâm lăng).
Hội thảo khoa học “Dấu ấn lịch sử của Khởi nghĩa Trương Định trong phong trào kháng chiến chống thực dân Pháp nửa sau thế kỷ XIX” là một sự kiện góp phần quan trọng vào chuỗi sự kiện các hoạt động nhân kỷ niệm 160 năm Ngày Anh hùng dân tộc Trương Định tuẫn tiết và đặc biệt là Các địa điểm Khởi nghĩa Trương Định được Thủ tướng Chính phủ công nhận là Di tích Quốc gia đặc biệt.