Tham dự tọa đàm có PGS. TS Đinh Quang Hải - Viện trưởng Viện Sử học, TS. Trần Thị Phương Hoa - Phó Viện trưởng Viện Sử học, PGS. TS Vũ Duy Mền, TS. Trương Thị Yến, hai diễn giả chính : TS. Phan Ngọc Huyền và TS. Lê Quang Chắn cùng đông đảo các nhà nghiên cứu của Viện Sử học.
Chủ đề "Ngôi vị Tể tướng trong thiết chế chính trị Đại Việt thế kỉ XI - XVIII" do TS. Phan Ngọc Huyền trình bày khảo cứu về nguồn gốc quan danh, vị trí, chức nhiệm, đóng góp cũng như mối tương tác quyền lực của Tể tướng với vua/ chúa trong thiết chế chính trị Đại Việt từ thời Lý, Trần đến Lê trung hưng. Thành quả khảo cứu bước đầu góp phần làm rõ một số vấn đề đặt ra trong nghiên cứu về quan chế Việt Nam thời trung đại như : Tể tướng là ai - Ai là tể tướng? Tể tướng có liên quan gì đến sự hưng suy của mỗi triều đại? Mối quan hệ song trùng quyền lực giữa vua/ chúa và Tể tướng có hay không là một "cặp đôi hoàn hảo"?...
Chủ đề "Xã hội và chính sách xã hội triều Nguyễn (1802 - 1884) : Một số vấn đề tiếp tục cần nghiên cứu" do TS. Lê Quang Chắn trình bày làm rõ các vấn đề xã hội, trong đó tập trung chủ yếu vào chính sách xã hội của triều Nguyễn trong giai đoạn 1802 - 1884 trên hai phương diện là chính sách xã hội phổ biến (có tác động đến mọi đối tượng trong xã hội như cứu trợ xã hội, ưu đãi xã hội...) và chính sách với từng đối tượng cụ thể trong xã hội (như Hoàng tộc, quan lại, binh lính, kẻ sĩ, người nông dân, thợ thủ công, người buôn bán; người già, phụ nữ, tù nhân; các dân tộc thiểu số và những người theo đạo Phật, Thiên chúa giáo...); từ đó nêu ra một số vấn đề cần tiếp tục thảo luận và đi sâu nghiên cứu hơn nữa trong thời gian tới.
Tọa đàm thu hút được sự quan tâm của các cán bộ nghiên cứu trẻ, đã thành công tốt đẹp và kết thúc vào 12h cùng ngày. Một số hình ảnh của buổi tọa đàm :
Ảnh 1 : Toàn cảnh buổi tọa đàm
Ảnh 2 : TS. Phan Ngọc Huyền trình bày báo cáo.
Ảnh 3 : TS. Lê Quang Chắn trình bày báo cáo.
Ảnh 4 : Kết thúc tọa đàm, chụp ảnh kỷ niệm.