Hội nghị có sự hiện diện của đại diện Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, Ban Tuyên giáo Trung ương, Ủy ban Văn hóa, Giáo dục của Quốc hội, Bộ Giáo dục và Đào tạo, Bộ Nội vụ, Bộ Công an, Bộ Khoa học và Công nghệ, Tư lệnh Hải quân Nhân dân Việt Nam, Ủy ban Biên giới Quốc gia - Bộ ngoại giao, Bộ Tư lệnh Cảnh sát biển… Về phía các đơn vị đào tạo và cơ quan nghiên cứu có đại diện lãnh đạo Đại học Quốc gia Hà Nội, Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh, Viện Hàn lâm KHXH Việt Nam, Viện Nghiên cứu Phát triển Kinh tế - Xã hội Hà Nội, Liên hiệp Hội Khoa học kỹ thuật Việt Nam, Trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn - Đại học Quốc gia Hà Nội, Trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn - Đại học Quốc gia TP. Hồ Chí Minh, Trường Đại học Sư phạm - Đại học Đà Nẵng… cùng nhiều nhà khoa học, giảng viên, sinh viên và nhiều cơ quan thông tấn báo chí đưa tin.

Toàn cảnh Hội nghị
Báo cáo đề dẫn Hội nghị, PGS.TS Trần Đức Cường - Chủ tịch Hội Khoa học Lịch sử Việt Nam nhấn mạnh: Chủ quyền quốc gia, lãnh thổ là những giá trị thiêng liêng của mọi đất nước, mọi cộng đồng dân tộc trong các thời đại kể từ khi nhà nước xuất hiện. Đối với dân tộc Việt Nam, độc lập, tự do và chủ quyền quốc gia lãnh thổ đã là niềm khao khát và là mục tiêu có sức động viên mạnh mẽ sự cố kết toàn dân tộc để đạt được những mục tiêu cao cả ấy. Trong hàng ngàn năm xây dựng và phát triển, lập trường bất biến của mỗi người dân Việt Nam là coi việc bảo vệ chủ quyền quốc gia, lãnh thổ, sự toàn vẹn của đất nước là thiêng liêng, bất khả xâm phạm. Trong thời kỳ dựng nước, dù ở đồng bằng Bắc Bộ và Bắc Trung Bộ với sự ra đời của Nhà nước Văn Lang - Âu Lạc, ở miền Trung với sự ra đời của Nhà nước Chămpa hay ở vùng Nam Bộ với sự ra đời của Vương quốc Phù Nam, ý thức dân tộc, quốc gia đã dần hình thành và phát triển để chúng ta có được một đất nước Việt Nam như ngày hôm nay: 331.698 km2 đất liền và một thềm lục địa rộng lớn với hàng ngàn đảo, quần đảo trên Biển Đông và vùng biển Tây Nam, trong đó có các quần đảo rộng lớn như quần đảo Hoàng Sa, Trường Sa và các đảo Cô Tô, Bạch Long Vĩ, Côn Đảo, Phú Quốc, Thổ Châu,v.v…

PGS.TS Trần Đức Cường – Chủ tịch Hội Khoa học Lịch sử Việt Nam phát biểu khai mạc Hội nghị
Mục đích của Hội nghị chủ yếu nhằm tổng kết những thành tựu của giới sử học cả nước trong việc nghiên cứu về chủ quyền quốc gia lãnh thổ, qua đó phân tích, đánh giá, góp phần khẳng định và bảo vệ chủ quyền của đất nước và chuyển tải đến các tầng lớp nhân dân ta, trước hết là thế hệ trẻ cơ sở khoa học lịch sử, kết hợp với cơ sở pháp lý và chủ quyền của đất nước trong cuộc đấu tranh bảo vệ chủ quyền và sự toàn vẹn của đất nước trên đất liền, trên vùng biển và vùng trời của Tổ quốc.
Hội nghị Sử học toàn quốc lần thứ nhất đã nhận được 164 tham luận của tác nhà nghiên cứu trong cả nước và quốc tế, nội dung chia thành 03 tiểu ban thảo luận với chủ đề sau đây:
1. Một số vấn đề chung về chủ quyền lãnh thổ và biên giới đất liền.
2. Biển Đông - Không gian sinh tồn của các cộng đồng dân cư sống trên lãnh thổ Việt Nam.
3. Chủ quyền của Việt Nam trên hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa.
Cuộc Hội nghị lần này sẽ là diễn đàn trao đổi học thuật cho các nhà nghiên cứu, học giả và chuyên gia trong lĩnh vực lịch sử và một số lĩnh vực khác như pháp luật, văn hóa, quốc phòng, an ninh, đối ngoại và những kết quả nghiên cứu trong thời gian qua; trao đổi về các tư liệu đã sưu tầm được ở trong nước và một số nước trên thế giới, trao đổi về cách tiếp cận và đi sâu phân tích các luận điểm nhằm khẳng định và bảo vệ chủ quyền quốc gia lãnh thổ của đất nước. Đây cũng là dịp để chúng ta đẩy mạnh việc kết nối và hợp tác giữa các đơn vị nghiên cứu và giảng dạy lịch sử và công tác tuyên truyền về chủ quyền quốc gia lãnh thổ Việt Nam ở trong và ngoài nước.
Hội nghị diễn ra khoa học, nghiêm túc, thảo luận sâu,.. để đi đến tổng kết thành tựu nghiên cứu trong 10 năm (2014-2024) và gợi mở nhiều định hướng nghiên cứu trong thời gian qua. Ban Tổ chức đã tổng kết 12 nội dung quan trọng. 164 tham luận toàn văn sẽ được các tác giả, ban biên tập chỉnh sửa và in thành kỷ yếu chính thức để công bố.

Các đại biểu, các nhà khoa học chụp ảnh lưu niệm
Tham dự Hội nghị Sử học toàn quốc lần thứ nhất, Viện Sử học có 19 tham luận toàn văn, nội dung trải đều trong 3 tiểu ban, cụ thể:
-
Đất nước và cương vực của nhà nước thời Ngô - Đinh - Tiền Lê - PGS.TS Nguyễn Minh Tường
-
Cương vực nhà nước Đại Cồ Việt thời Đinh và Tiền Lê - TS Lê Quang Chắn
-
Lãnh thổ quốc gia Đại Việt thời Lý (1009 - 1225) - TS Lê Thùy Linh
-
Lãnh thổ nước Đại Ngu thời nhà Hồ - PGS.TS Nguyễn Thị Phương Chi
-
Lãnh thổ nước Đại Việt thời Lê (1428-1527) - PGS.TS Tạ Ngọc Liễn, PGS.TS Nguyễn Đức Nhuệ
-
Lãnh thổ nước Đại Việt thời Mạc thế kỷ XVI - PGS.TS Trần Thị Vinh, TS Nguyễn Thành Lương
-
Công cuộc thống nhất đất nước, sự ra đời và vị trí, ý nghĩa của quốc hiệu Việt Nam trong tiến trình lịch sử Việt Nam - PGS.TS Nguyễn Đức Nhuệ
-
Kênh nối Hà Tiên với Châu Đốc và bằng chứng về lịch sử chủ quyền Việt Nam trên vùng đất cực nam - TS Ngô Vũ Hải Hằng
-
Hoạch định và cắm mốc biên giới đất liền Hà Tiên - Campuchia trong thời thuộc Pháp - PGS.TS Lê Trung Dũng
-
Quá trình hoạch định, phân giới cắm mốc biên giới Việt Nam - Lào từ năm 1975 đến năm 2008 - TS Lê Văn Phong, TS Ngô Hoàng Nam
-
Biển Đông trong công cuộc nam tiến của dân tộc Việt Nam dưới thời Lý - Trần - Hồ - PGS.TS Nguyễn Thị Phương Chi, TS Nguyễn Thị Hải
-
Thư tịch cổ viết về vùng đất cực Nam và biển đảo Hà Tiên - TS Nguyễn Hữu Tâm
-
Vấn đề biển đảo giữa Việt Nam và Campuchia từ thời thuộc địa tới năm 1975 - NSH Dương Trung Quốc, PGS.TS Lê Trung Dũng
-
Biển, Đảo - chủ quyền thiêng liêng, nguồn tài nguyên kinh tế, văn hóa quý giá của dân tộc Việt Nam - PGS.TS Nguyễn Văn Nhật
-
Quản lý, khai thác nguồn lợi biển đảo của triều Nguyễn giai đoạn 1802 - 1884 và bài học lịch sử - TS Đinh Thị Hải Đường
-
Nghiên cứu và nâng cao nhận thức về chủ quyền biển đảo trong giới sử học Việt Nam hiện nay - NSH Dương Trung Quốc, TS Trần Xuân Thanh
-
Vấn đề chủ quyền của Việt Nam ở hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa trong bối cảnh lịch sử từ năm 1954 đến năm 1975 - PGS.TS Trần Đức Cường
-
Chính phủ quốc gia Việt Nam và nguồn tư liệu lưu trữ về chủ quyền của Việt Nam đối với quẩn đảo Hoàng Sa và Trường Sa thời Pháp thuộc - PGS.TS Đinh Quang Hải
-
Quyền chủ quyền và tuyên bố chủ quyền của Việt Nam đối với quần đảo Hoàng Sa giai đoạn từ năm 1930 đến 1954 - TS Trần Thị Phương Hoa