Hội thảo khoa học: Một số vấn đề cần thảo luận và thống nhất trong nghiên cứu, biên soạn bộ Lịch sử Việt Nam

08/07/2017

Đề án nghiên cứu, biên soạn bộ Lịch sử Việt Nam trong quá trình triển khai đã tổ chức nhiều toa đàm, hội thảo khoa học, ở nhiều cấp độ và quy mô khác nhau, một số vấn đề mà bấy lâu nay còn chưa được nhận thức thỏa đáng hay chưa có sự thống nhất sẽ được tra đổi, thảo luận để phục vụ trực tiếp cho quá trình biên soạn. Hội thảo khoa học: Một số vấn đề cần thảo luận và thống nhất trong nghiên cứu, biên soạn bộ Lịch sử Việt Nam là một trong những hoạt động nằm trong nội dung đó.

Ngày 8-7-2017 tại Hà Nội, Đề án Khoa học Xã hội cấp Quốc gia: Nghiên cứu, biên soạn Bộ Lịch sử Việt Nam đã tổ chức Hội thảo khoa học: Một số vấn đề cần thảo luận và thống nhất trong nghiên cứu, biên soạn Bộ Lịch sử Việt Nam. Hội thảo nhằm đi tới thảo luận và thống nhất một số quan điểm khi trình bày trong các tập Lịch sử Việt Nam của Đề án nêu trên.       

 

    

 

Tham dự Hội thảo có Ban Chủ nhiệm Đề án Nghiên cứu và biên soạn Bộ Lịch sử Việt Nam, các chủ nhiệm và chủ biên của các tập, cùng đông đảo các nhà khoa học đang tham gia nghiên cứu và biên soạn Bộ Lịch sử Việt Nam.     

 

 

Hội thảo đã nhận được 10 báo cáo khoa học, đại diện cho một số tập và một số nội dung khoa học cần được đưa ra thảo luận và thống nhất, cụ thể: Thử tìm hiểu nguồn gốc dân tộc Việt Nam qua tài liệu cổ nhân học (PGS-TS Nguyễn Lân Cường); Nguồn gốc người Việt qua tư liệu Khảo cổ học và các khoa học liên ngành (PGS-TS Trịnh Sinh); Khái niệm “Lạc Việt” góc nhìn của Ngôn ngữ học lịch sử và địa lý lịch sử (GS-TS Trần Chí Dõi); Các nhóm loại hình nhân chủng và vấn đề nguồn gốc cũng như mối quan hệ họ hàng giữa các nhóm người ở Việt Nam (PGS-TS Trịnh Hồng Thái); Triệu Đà và nhà nước Nam Việt (TS. Đặng Hồng Sơn); Văn hóa Nam Việt (Trung Quốc) và mối quan hệ với Văn hóa Đông Sơn qua tài liệu Khảo cổ học (PGS-TS Trình Năng Chung); Vấn đề sự phát triển của các hình thái kinh tế-xã hội và sự hình thành dân tộc Việt Nam (GS. Phan Huy Lê); Các dân tộc thiểu số trong lịch sử Việt Nam (PGS-TS Trần Đức Cường); Vấn đề cận đại hóa trong lịch sử Việt Nam (PGS-TS Đoàn Minh Huấn); Mối quan hệ giữa lịch sử Đảng, lịch sử cách mạng và lịch sử dân tộc (PGS-TS Vũ Quang Hiển).  

 

 

Trên cơ sở các tham luận trên, Hội thảo đã chia thành 3 phiên thảo luận: Phiên thứ nhất, gồm các tham luận của các tác giả: PGS-TS Nguyễn Lân Cường, PGS-TS Trịnh Sinh, GS-TS Trần Chí Dõi, PGS-TS Trịnh Hồng Thái, các tham luận của các tác giả tập trung vào thảo luận về nguồn gốc người Việt, sự có mặt của người Việt trên lãnh thổ Việt Nam hiện nay, quá trình giao thoa, tiếp xúc giữa tộc người Việt với người Mường, người Thái...; Phiên thứ hai, là hai tham luận của tác giả: TS. Đặng Hồng Sơn, PGS-TS Trình Năng Chung, điểm nhấn của phiên này là phân định rõ cũng như mối quan hệ qua lại giữa nước Nam Việt với Việt Nam về văn hóa và lịch sử, trong đó, một số ý kiến đã nhìn nhận được sự khác biệt của văn hóa Nam Việt so với văn hóa Việt Nam và ngược lại, nhưng bên cạnh đó, chúng cũng có sự giao thoa và ảnh hưởng qua lại giữa hai chủ thể này; Phiên thứ ba, gồm các tham luận của các tác giả: GS. Phan Huy Lê, PGS-TS Trần Đức Cường, PGS-TS Đoàn Minh Huấn, PGS-TS Vũ Quang Hiển. Các vấn đề về hình thái kinh tế xã hội trong lịch sử Việt Nam, sự khác biệt về con đường hình thành giữa nhà nước phương Đông và phương Tây cổ đại; về quan điểm, phương pháp và đối tượng của lịch sử Đảng, lịch sử cách mạng và lịch sử dân tộc, ở đây, cần nhìn nhận lịch sử Đảng, lịch sử cách mạng là một phần của lịch sử dân tộc, do đó, cũng cần lưu ý đến phương pháp và đặc biệt là đối tượng nghiên cứu của lịch sử Đảng...   

 

 

 

Đ.D.H



Xem tin phát hành ngày:

CỔNG THÔNG TIN ĐIỆN TỬ VIỆN SỬ HỌC - VIỆN HÀN LÂM KHOA HỌC XÃ HỘI VIỆT NAM

Bản quyền thuộc về Viện Sử Học
Copyright 2023- Viện Sử Học
Địa chỉ: Số 38, phố Hàng Chuối, Phạm Đình Hổ, Hai Bà Trưng, Hà Nội.
Điện thoại: (024)39713200
Email: viensuhoc@vass.gov.vn