Thực hiện chương trình, kế hoạch hợp tác giữa Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam với Quỹ Lịch sử Đông Bắc Á (Hàn Quốc), được sự đồng ý và ủy quyền của Lãnh đạo Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam, Đoàn công tác của Viện Sử học, do TS. Lê Quang Chắn (Phó Viện trưởng) làm Trưởng đoàn, cùng các thành viên là PGS. TS. Nguyễn Đức Nhuệ, TS. Trần Thị Phương Hoa, TS. Vũ Thị Thu Giang, TS. Lê Thùy Linh, TS. Nguyễn Quốc Sinh, đã có chuyến công tác và làm việc với Quỹ Lịch sử Đông Bắc Á (Hàn Quốc) từ ngày 21 đến ngày 23-5-2025, với các nội dung chính sau:
1. Trao đổi, thống nhất nội dung phối hợp trong thời gian tới
Sáng ngày 21-5-2025, Đoàn công tác Viện Sử học đã làm việc với Quỹ Lịch sử Đông Bắc Á (Quỹ) tại trụ sở của Quỹ ở Thủ đô Seoul (Hàn Quốc). Về phía Quỹ, có TS. Jihyang Park - Chủ tịch Quỹ, TS. Chung Yong Sang - Tổng Thư ký, TS. Le Seongje - Giám đốc điều hành, cùng đại diện lãnh đạo một số viện nghiên cứu trực thuộc.

Hai bên đánh giá những kết quả đã đạt được trong thời gian qua, đồng thời bàn bạc, thống nhất một số nội dung phối hợp để tổ chức thực hiện trong thời gian tới, cụ thể như sau:
Tiếp tục trao đổi học giả giữa hai bên;
Tiếp tục tổ chức hội thảo thường niên giữa hai bên về chủ đề ngoại giao giữa các nước Hàn Quốc, Việt Nam với Trung Quốc và năm 2026 sẽ tổ chức hội thảo quốc tế tại Việt Nam, tập trung vào ngoại giao thời cận, hiện đại;
Đề xuất và thống nhất một số chủ đề phối hợp tổ chức hội thảo khoa học những năm tiếp theo về các thương cảng, gắn với phát triển thông thương; nghiên cứu so sánh về chế độ thi cử, giới trí thức của Việt Nam và Hàn Quốc trong lịch sử;
Tăng cường, mở rộng hình thức phối hợp giữa hai bên (như công bố kết quả nghiên cứu trên tạp chí chuyên ngành, xuất bản sách kỷ yếu, trao đổi thông tin tư liệu lịch sử…).

2. Tham gia Hội thảo khoa học quốc tế: Korea and Vietnam, the Neighbors of China (Hàn Quốc và Việt Nam - Những nước láng giềng của Trung Quốc)
Ngày 22-5-2025, tại Quỹ Lịch sử Đông Bắc Á, Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam (Vietnam Academy of Social Sciences, VASS) với đại diện là Viện Sử học đã phối hợp với Quỹ Lịch sử Đông Bắc Á tổ chức Hội thảo khoa học: “Korea and Vietnam, the Neighbors of China (Hàn Quốc và Việt Nam - Những nước láng giềng của Trung Quốc)”.
Với định hướng chuyên sâu và tập trung, hội thảo có 8 tham luận từ các nhà khoa học của hai nước Việt Nam và Hàn Quốc (mỗi bên có 4 bài tham luận). Dưới sự điều hành của Đại diện Quỹ Lịch sử Đông Bắc Á, hội thảo diễn ra theo 4 phiên:

Phiên 1: TS. Nguyễn Quốc Sinh, TS. Sung-Min Woo trình bày các bài viết thuộc giai đoạn thế kỷ X - XIII, nội dung về quan hệ giữa triều Đinh với triều Tống; Luật pháp của triều Đường, triều Tống áp dụng với người Goguryeo và Goryeo của Triều Tiên.
Phiên 2: TS. Lê Quang Chắn, TS. Doyoung Koo trình bày các bài viết thuộc giai đoạn thế kỷ XIV - XVII, nội dung về nhân vật Trần Cảo trong bối cảnh cuối cuộc chiến và mối quan hệ ngoại giao giữa nhà Lê và nhà Minh (đầu thế kỷ XV); Quan hệ bang giao và cấu trúc tổ chức sứ đoàn Choson sang nhà Minh.
Phiên 3: TS. Lê Thùy Linh, TS. Jungsoo Jang trình bày các bài viết thuộc giai đoạn thế kỷ XVI - XIX, nội dung về vấn đề biên giới Đại Việt - Trung Quốc; Vấn đề biên giới và mối quan hệ giữa triều Choson và triều Thanh.
Phiên 4: TS. Vũ Thị Thu Giang, TS. Hyo Seung Shin trình bày các bài viết thuộc giai đoạn thế kỷ XIX - XX, nội dung về ảnh hưởng của Trung Quốc đến tình hình chính trị Việt Nam nửa đầu thế kỷ XX; Những thay đổi trong mối quan hệ Trung - Hàn sau chiến tranh Trung - Nhật lần thứ nhất và vấn đề Hiệp định Thương mại năm 1899.
Bên cạnh các báo cáo tham luận trình bày, hội thảo dành nhiều thời gian để trao đổi, thảo luận, với sự tham gia của PGS. TS. Nguyễn Đức Nhuệ, TS. Trần Thị Phương Hoa, TS. Eunju Kwen, TS. Jeong-il Lee, TS. Chulki Kim và TS. Byongteak Lee phản biện các tham luận. Nội dung các ý kiến phản biện khoa học không chỉ phân tích, góp ý cho 8 bài viết mà còn làm rõ hơn quan hệ Việt Nam, Triều Tiên, Hàn Quốc với Trung Quốc từ thời cổ trung đại, kéo dài qua thời cận hiện đại, làm nền tảng cho quan hệ ngoại giao giữa các nước trong các giai đoạn tiếp theo.
Các hoạt động khoa học của Đoàn công tác Viện Sử học tại Hàn Quốc đã diễn ra thành công tốt đẹp, góp phần tăng cường hơn nữa sự phối hợp giữa hai bên trong tương lai.

