Đồng chí Trần Quý Kiên - Bí thư Đảng ủy Khối các cơ quan Trung ương trong những năm 1950-1953

01/04/2025

Lời BBT: Đảng bộ Khối các cơ quan Trung ương thành lập năm 1948 tại Tuyên Quang - “Thủ đô kháng chiến”, tiền thân là Liên chi cơ quan Trung ương, được thành lập theo Chỉ thị số 35-CT/TW của Ban Thường vụ Trung ương Đảng, bao gồm 6 chi bộ để thuận tiện cho việc sinh hoạt đảng. Từ năm 1950-1953, đồng chí Trần Quý Kiên được Chủ tịch Hồ Chí Minh bổ nhiệm thay đồng chí Trần Hữu Dực được cử giữ chức vụ Phó Chủ nhiệm Tổng cục Cung cấp. Do trước đây, đồng chí Trần Quý Kiên qua đời sớm, các tư liệu còn bị tản mát và thiếu sót, nên các sách báo, tài liệu… còn chưa đề cập đến chức vụ của đồng chí Trần Quý Kiên trong thời gian này tại Đảng ủy Khối các cơ quan Trung ương. Bài viết, nhằm cung cấp thêm một số tư liệu, tài liệu về đồng chí Trần Quý Kiên trong những năm 1950-1953.

Đồng chí Trần Quý Kiên (1911-1965), tên thật là Đinh Xuân Nhạ, còn có tên gọi khác là Dương Văn Ty - người đảng viên cộng sản kiên trung bất khuất thế hệ đầu tiên của Đảng ta, một cán bộ lãnh đạo kiên trung của Đảng, suốt đời gắn bó với nhân dân, với sự nghiệp cách mạng dân tộc. Dù ở bất kỳ cương vị công tác và hoàn cảnh nào, đồng chí Trần Quý Kiên luôn giữ vững khí tiết người cộng sản, ra sức học tập, rèn luyện, nỗ lực vươn lên, phấn đấu hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ mà Đảng và nhân dân giao phó. Trong giai đoạn 1950-1953, đồng chí Trần Quý Kiên trải qua nhiều vị trí lãnh đạo tổ chức xây dựng, phát triển của Đảng và Chính phủ, đóng góp tích cực trong công cuộc xây dựng đất nước và góp phần lãnh đạo thắng lợi cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp 1945-1954, xây dựng hậu phương xã hội chủ nghĩa ở miền Bắc.

Trong thời kỳ đấu tranh giành độc lập dân tộc (1930-1945), đồng chí Trần Quý Kiên đã hoạt động cách mạng liên tục 15 năm (bị đày ải qua nhiều nhà tù, nhà lao của đế quốc). Sau khi thoát khỏi nhà tù thực dân, tháng 5-1945, đồng chí đã bắt liên lạc và tham gia Xứ ủy Bắc Kỳ, được cử tham gia Ban Chỉ đạo xây dựng Chiến khu Quang Trung, lãnh đạo khởi nghĩa tháng Tám năm 1945 ở Ninh Bình, Sơn La, Lai Châu… Tiếp đó, ông được Đảng tin tưởng, giao các trọng trách giữ chức Bí thư Tỉnh ủy Quảng Yên (sau là tỉnh Hồng Quảng, nay là tỉnh Quảng Ninh), tham gia Liên khu ủy Liên khu 3 và giữ chức Thường vụ năm 1948.

1. Bối cảnh lịch sử

Ngay sau khi cuộc kháng chiến toàn quốc bùng nổ, Việt Bắc đã được chọn làm căn cứ cách mạng, nơi tập trung các cơ quan đầu não của cuộc kháng chiến. Tại đây, quân và dân Việt Nam đã ra sức sản xuất và chiến đấu theo chủ trương “kháng chiến, kiến quốc” của Đảng. Đến giữa năm 1949, cuộc kháng chiến chuyển sang giai đoạn quyết định - giai đoạn tổng phản công, nhu cầu phục vụ kháng chiến ngày một cao về mọi mặt. Để đáp ứng tình hình trên, Ban Thường vụ Trung ương Đảng đã quyết định lập một căn cứ địa gồm sáu tỉnh Cao Bằng, Bắc Kạn, Lạng Sơn, Thái Nguyên, Tuyên Quang, Hà Giang; vẫn theo hệ thống của các khu, không phải tách riêng ra, mà chỉ được Trung ương đặc biệt chú ý giúp đỡ và đặt kế hoạch xây dựng về mọi mặt.

Đồng chí Trần Quý Kiên cùng các đồng chí Trường Chinh, Khuất Duy Tiến và các đồng chí khác

cùng dự Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ II, tháng 2/1951

Trung ương cũng quyết định thành lập một Ban Căn cứ địa, như một ban chuyên môn, do đồng chí Trần Quý Kiên làm Trưởng ban, giúp Trung ương nghiên cứu kế hoạch xây dựng Căn cứ địa, đôn đốc kiểm soát việc thực hiện kế hoạch[1]. Đồng thời ngày 23/9/1949, Chủ tịch Hồ Chí Minh ký Sắc lệnh số 110-SL lập Ban Căn cứ địa Việt Bắc, đặt trong Chủ tịch phủ, với nhiệm vụ theo dõi, tham gia ý kiến vào sự thực hiện kế hoạch của Chính phủ trong phạm vi căn cứ địa; làm việc trực tiếp với các Bộ và các Uỷ ban Kháng chiến Hành chính để đề nghị những công việc cần thiết.

Năm 1950, cuộc kháng chiến chống Pháp của nhân dân ta có bước phát triển mới. Lúc này công việc Bộ Quốc phòng ngày càng mở rộng, nhất là sau chiến dịch Biên giới, lực lượng của ta thắng lợi lớn, giải phóng vùng biên giới Việt - Trung, mở đường thông ra quốc tế. Từ đó lực lượng kháng chiến của ta ngày một lớn mạnh, tổ chức thêm nhiều đơn vị bộ đội chủ lực mới, trang bị thêm vũ khí mới, công việc luyện quân, mở chiến dịch tăng lên nhiều. Trong bối cảnh ấy, cuối tháng 11-1950, cơ quan hậu cần chiến dịch Trung du được thành lập, do đồng chí Trần Hữu Dực giữ chức vụ Phó Chủ nhiệm Tổng cục Cung cấp[2].

 

Đồng chí Trần Quý Kiên người đứng giữa cầm cuộn giấy, cùng các đồng chí Hồ Tùng Mậu, Chu Văn Tấn, Lê Quảng Ba,
Nguyễn Khang, Hoàng Quốc Thịnh tại An toàn khu (ATK) Việt Bắc

2. Bí thư Đảng ủy Dân Chính Đảng Trung ương

Để đáp ứng yêu cầu tăng cường kiện toàn đội ngũ cán bộ tham mưu, giúp việc cho Hội đồng Chính phủ, Chủ tịch Chính phủ, ngày 6/11/1950, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã ký Sắc lệnh số 149-SL về việc bổ nhiệm đồng chí Trần Quý Kiên giữ chức Phó Văn phòng Thủ tướng phủ[1] (dưới thời Thủ tướng giữ cương vị này là Chủ tịch Hồ Chí Minh), đồng thời Chỉ định đồng chí Trần Quý Kiên (khi đó đang giữ chức Trưởng ban Ban Căn cứ địa Việt Bắc) thay đồng chí Trần Hữu Dực làm Bí thư Đảng ủy Dân Chính Đảng Trung ương. Bản Sơ lược lý lịch của đồng chí Trần Quý Kiên có viết: “Năm 1950 tôi về làm Phó Văn phòng Thủ tướng phủ và làm Bí thư Đảng ủy Dân Chính Đảng Trung ương”[2].

Năm 1951, sau thành công của Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ II của Đảng Cộng sản Đông Dương, Đảng ta ra hoạt động công khai, lấy tên là Đảng Lao động Việt Nam[3]. Ban Chấp hành Trung ương Đảng Lao động Việt Nam được kiện toàn, gồm 29 đồng chí, do đồng chí Hồ Chí Minh làm Chủ tịch Đảng, đồng chí Trường Chinh làm Tổng Bí thư. Ban Chấp hành Trung ương đã cử ra Bộ Chính trị, gồm 7 Ủy viên chính thức, 1 Ủy viên dự khuyết, đồng thời cử ra Ban Bí thư[4].

Để giúp Trung ương Đảng lãnh đạo công tác kịp thời, hiệu quả, yều cầu cần phải thành lập và kiện toàn tổ chức các cơ quan tham mưu, giúp việc, ngày 16/4/1951, Ban Chấp hành Trung ương Đảng ra Nghị quyết số 09-NQ/TW[5] thành lập các ban và tiểu ban giúp việc Trung ương Đảng, gồm có các ban: Ban Tuyên huấn, Ban Tổ chức, Ban Mặt trận, Ban Kinh tế tài chính; và các tiểu ban: Miên - Lào, Công vận, Nông vận, Thanh vận, Phụ vận. Theo Quyết định này, đồng chí Trần Quý Kiên được Trung ương Đảng chỉ định tham gia Ban Tổ chức Trung ương, cùng các đồng chí Lê Văn Lương (Trưởng ban), Hoàng Quốc Việt, Nguyễn Chí Thanh, Nguyễn Văn Trân, Nguyễn Đức Tâm, Lê Khắc, Nguyễn Trọng Kính[6], Trần Quang Huy, Nguyễn Chương[7].

Tiếp đó, ngày 25/04/1951, căn cứ đề nghị của Thủ tướng phủ, Hội đồng Chính phủ thông qua và trình Chủ tịch nước cho phép thành lập một số cơ quan cấp cao của Chỉnh phủ, trong đó, thành lập Ban Bảo vệ căn cứ địa Trung ương theo Nghị định số 85-TTg của Thủ tướng Chính phủ Phạm Văn Đồng, đặt tại Thủ tướng phủ để làm nhiệm vụ nghiên cứu, đặt phương pháp bảo vệ căn cứ địa và các cơ quan đóng trong căn cứ địa. Đồng chí Trần Quý Kiên được bổ nhiệm làm Trưởng ban[8].

Theo Lời khai của đồng chí Trần Quý Kiên, trong bản Tổng kết tư tưởng tại Lớp Chỉnh Đảng Trung ương năm 1952, có viết: Tôi làm Bí thư. Chúng tôi đã đề ra chủ trương hàng năm, chương trình và kế hoạch làm việc hàng tháng… Đồng thời, với vai trò là Phó Văn phòng Thủ tướng Phủ, công việc hàng ngày của đồng chí phải kiêm nhiệm cũng rất nhiều công việc phải giải quyết[9]… Trong bản Tổng kết tư tưởng của đồng chí Trần Quý Kiên tại Lớp Chỉnh Đảng Trung ương tháng 8-1952, có ghi các thành viên của Tổ gồm 12 đồng chí (trong đó có nhiều đồng chí là những cán bộ lãnh đạo chủ chốt của các bộ, ban, ngành ở Trung ương, do đồng chí Trần Quý Kiên làm Tổ trưởng…), có lời nhận xét của Tổ[10], cho rằng bản Tổng kết tư tưởng của đồng chí Trần Quý Kiên chưa làm nổi bật vai trò của đồng chí với Đảng ủy (trên cương vị Bí thư, Đảng ủy Dân Chính Đảng Trung ương) và với ATK (Trưởng ban Ban Căn cứ địa Việt Bắc) đến thời điểm giữa năm 1952[11]. Năm 1953, vì bị ốm đồng chí Trần Quý Kiên đi chữa bệnh nên đồng chí Ngô Ngọc Du[12] được cử làm Bí thư Đảng ủy Dân Chính Đảng Trung ương. Mặc dù “… đồng chí Du làm Bí thư thay tôi và tôi vẫn ở trong Ban Chấp hành Đảng ủy”[13].

3. Kết luận

Có thể nói, trong suốt thời cuộc đời hoạt động cách mạng, đồng chí Trần Quý Kiên đã có những cống hiến to lớn đối với sự nghiệp cách mạng của Đảng, của dân tộc Việt Nam. Trong những năm 1950-1953, với phẩm chất đạo đức lối sống giản dị, trong sáng, đồng chí Trần Quý Kiên được Trung ương Đảng và Chính phủ tín nhiệm, giao giữ nhiều trọng trách lãnh đạo quan trọng của Đảng và Chính phủ, từ Phó Văn phòng Thủ tướng phủ (nay là Văn phòng Chính phủ), Bí thư Đảng ủy Dân chính đảng Trung ương, Thành viên Ban Tổ chức Trung ương, Trưởng ban Bảo vệ Căn cứ địa Việt Bắc...  Dù ở vị trí công tác nào, đồng chí cũng không ngừng tu dưỡng, học tập, rèn luyện, nỗ lực trong công tác, phấn đấu hoàn thành tốt mọi nhiệm vụ được giao, có vai trò và đóng góp to lớn vào sự xây dựng, phát triển của Đảng và Chính phủ về tổ chức, lãnh đạo, chỉ huy các mặt công tác; góp phần to lớn vào thắng lợi chung của cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp xâm lược từ năm 1945-1954.

Ghi nhận những hoạt động và cống hiến xuất sắc đối với sự nghiệp cách mạng của Đảng và dân tộc, Đảng và Nhà nước ta đã tặng thưởng đồng chí Trần Quý Kiên nhiều huân, huy chương cao quý của Đảng và Nhà nước, như: Huân chương Kháng chiến hạng nhất (1961), Huân chương Lao động hạng nhất (1965), Huân chương Hồ Chí Minh (truy tặng, 2003), Huân chương Sao vàng (truy tặng, 2018). Nhiều tên đường, tên phố ở Thủ đô Hà Nội, Thành phố Hồ Chí Minh, Đà Nẵng và một số tỉnh, thành phố khác cũng được đặt theo tên của đồng chí Trần Quý Kiên - nhà cách mạng tiền bối tiêu biểu của Đảng và Nhà nước ta.


[1] Văn phòng Chính phủ, Lịch sử Văn phòng Chính phủ (1945 - 2015), Nxb Chính trị quốc gia - Sự thật, Hà Nội, 2015, tr.63. Và trong phần Phục lục 1: Danh sách lãnh đạo Chính phủ, Văn phòng Chính phủ và lãnh đạo các vụ, cục, đơn vị của Văn phòng Chính phủ qua các thời kỳ, Sđd, tr. 352: Đồng chí Trần Quý Kiên giữ chức Phó Văn phòng Thủ tướng phủ trong thời gian: 11/1950 - 6/1960.

[2] Sơ lược lý lịch hồ sơ cán bộ (do đồng chí Trần Quý Kiên khai) ngày 16/6/1960, lưu Hồ sơ cán bộ. Tài liệu lưu tại Kho Lưu trữ Trung ương Đảng, tr.1.

[3] Còn ở Lào và Campuchia, mỗi nước sẽ thành lập một chính đảng vô sản lãnh đạo cuộc cách mạng dân tộc dân chủ nhân dân ở mỗi nước. Theo đó, tháng 6/1951, Đảng Nhân dân cách mạng Khmer được thành lập; tháng 3/1955, Đảng Nhân dân Lào thành lập (từ tháng 2/1972 đến nay, đổi tên thành Đảng Nhân dân cách mang Lào).

[4] Ban Nghiên cứu Lịch sử Đảng Trung ương, Lịch sử Đảng Cộng sản Việt Nam, Sơ thảo: Tập I (1920 - 1954), Nxb Sự thật, Hà Nội, 1981, tr.627.

[5] Ban Tổ chức Trung ương, Truyền thống 72 năm Ngành Tổ chức Xây dựng Đảng (1930 - 2002), Nxb Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2002, tr.283.

[6] Có tài liệu viết là Nguyễn Trọng Vĩnh (Dẫn theo: Ban Tổ chức Trung ương, Truyền thống 72 năm Ngành Tổ chức Xây dựng Đảng (1930 - 2002), Sđd, tr.283).

[7] Đảng Cộng sản Việt Nam, Văn kiện Đảng toàn tập, tập 12 (1951), Nxb Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2002, tr.526.

[8] Văn phòng Chính phủ, Lịch sử Văn phòng Chính phủ (1945 - 2015), Sđd, tr.61.

[9] Lớp Chỉnh Đảng Trung ương, Tổng kết tư tưởng, họ và tên: Trần Quý Kiên, đơn vị công tác: Văn phòng Thủ tướng Phủ, ngày 11/08/1952, tr.13-14.

[10] Do đồng chí khai tháng 6-1960, có lời nhận xét của đồng chí Tô? (Phạm Văn Đồng) ngày 13/5, và chữ ký đóng dấu thay mặt Ban Bí thư của đồng chí Lê Văn Lương.

[11] Lớp Chỉnh Đảng Trung ương, Tổng kết tư tưởng, họ và tên: Trần Quý Kiên, đơn vị công tác: Văn phòng Thủ tướng Phủ, ngày 11/08/1952, tr.19.

[12] Ngô Ngọc Du làm Bí thư Đảng ủy Dân Chính Đảng Trung ương (1954-1961), dẫn theo Lịch sử Đảng bộ khối các cơ quan trung ương (1948-2010), tr.468.

[13] Sơ lược lý lịch (do đồng chí Trần Quý Kiên khai) ngày 16/6/1960, lưu Hồ sơ cán bộ. Tài liệu lưu tại Kho Lưu trữ Trung ương Đảng, tr.1.


[1] Tài liệu lưu tại Kho Lưu trữ Trung ương Đảng, ĐVBQ 124, phông Liên khu Việt Bắc. Dẫn theo: Viện Lịch sử Đảng, Biên niên sự kiện Lịch sử Đảng Cộng sản Việt Nam, Nxb Chính trị quốc gia - Sự thật, Hà Nội, 2021, tr.281-282.

[2] Tổng cục Hậu cần, Lịch sử hậu cần quân đội nhân dân Việt Nam, tập 1, Nxb Quân đội nhân dân, Hà Nội, 1995, tr.170.


Nguyễn Văn Biểu, Viện Sử học, Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam


Các tin khác:

Xem tin phát hành ngày:

CỔNG THÔNG TIN ĐIỆN TỬ VIỆN SỬ HỌC - VIỆN HÀN LÂM KHOA HỌC XÃ HỘI VIỆT NAM

Bản quyền thuộc về Viện Sử Học
Copyright 2023- Viện Sử Học
Địa chỉ: Số 38, phố Hàng Chuối, Phạm Đình Hổ, Hai Bà Trưng, Hà Nội.
Điện thoại: (024)39713200
Email: viensuhoc@vass.gov.vn