
Ngày 20/5/2024, tại Trung tâm Quốc tế Khoa học và Giáo dục liên ngành, Thành phố Quy Nhơn, Sở Khoa học và Công nghệ tỉnh Bình Định phối hợp với Sở Văn hoá và Thể thao tỉnh Bình Định, Hội Khoa học Lịch sử tỉnh Bình Định, Trường Đại học Quy Nhơn, Hội Khoa học Gặp gỡ Việt Nam, Trung tâm Quốc tế Khoa học và Giáo dục liên ngành và Hội đồng họ Mai tỉnh Bình Định tổ chức Hội thảo khoa học “Mai Xuân Thưởng với phong trào Cần Vương chống thực dân Pháp cuối thế kỷ XIX”.

Anh hùng dân tộc Mai Xuân Thưởng (1860 - 1887), người làng Phú Lạc, tổng Phú Phong, huyện Tuy Viễn (nay là xã Bình Thành, huyện Tây Sơn, tỉnh Bình Định). Tiếp sau Đào Doãn Địch, Mai Xuân Thưởng là “linh hồn” của phong trào Cần Vương ở Bình Định chống thực dân Pháp vào cuối thế kỷ XIX, ông được nghĩa quân suy tôn là Bình Tây Đại nguyên soái. Hoạt động chống Pháp của nghĩa quân Mai Xuân Thưởng không chỉ ở Bình Định, mà còn mở rộng ra các tỉnh Quảng Ngãi, Phú Yên, Khánh Hòa, Ninh Thuận. Khi phong trào thất bại, biết không thể dụ hàng được Mai Xuân Thưởng, ngày 15 tháng 4 năm Đinh Hợi (1887), ông bị xử trảm. Thi hài của ông được nhân dân mai táng tại quê nhà thôn Phú Lạc, xã Bình Thành, sau đó được cải táng tại ngọn đồi cao thuộc thôn Hòa Sơn, xã Bình Tường (huyện Tây Sơn) - nơi khi xưa Mai Xuân Thưởng chọn làm căn cứ chống Pháp - hiện nay là di tích lịch sử Lăng Mai Xuân Thưởng.

Hội thảo có nhiều tham luận được trình bày: Phong trào Cần Vương ở Bình Định (1885-1887) và những tồn nghi về Mai Xuân Thưởng (Nguyễn Thanh Quang - Hội Khoa học Lịch sử tỉnh); Mai Xuân Thưởng - Vị anh hùng bất khuất (GS.TS Phạm Hồng Tung - Nguyên Viện trưởng Viện Việt Nam học và Khoa học phát triển - ĐHQG Hà Nội); Mai Xuân Thưởng trong sự nghiệp chống thực dân Pháp cuối thế kỷ XIX (PGS.TS Đinh Quang Hải - Nguyên Viện trưởng Viện Sử học); Một vài vấn đề của phong trào Cần Vương (1855-1887) tại Bình Định qua nguồn tài liệu đương thời (Cù Thị Dung - Trung tâm Lưu trữ quốc gia II); Anh hùng Mai Xuân Thưởng (1859-1887) - Thủ lĩnh Cần Vương Nam Trung bộ (của Nhà nghiên cứu Võ Nguyên Phong); Phong trào Cần Vương ở Bình Định (1885-1887) và những tồn nghi về Mai Xuân Thưởng (Nhà nghiên cứu Nguyễn Thanh Quang); Vai trò của Mai Xuân Thưởng đối với phong trào Cần Vương cuối thế kỷ XIX (TS. Trương Thị Dương, Trường Đại học Quy Nhơn),…

Tại Hội thảo, nội dung các tham luận và các ý kiến phát biểu tập trung vào các khía cạnh: Cung cấp thêm nhiều tư liệu lịch sử về thân thế, sự nghiệp của Mai Xuân Thưởng với phong trào Cần Vương chống thực dân Pháp cuối thế kỷ XIX ở Bình Định, cũng như vùng Nam Trung kỳ; làm rõ thêm nhiều tồn nghi về Mai Xuân Thưởng nộp mình hay bị giặc Pháp bắt; khi nghiên cứu về Mai Xuân Thưởng cần nghiên cứu thêm những thủ lĩnh khác trong phong trào Cần Vương ở Bình Định, cũng như ảnh hưởng của phong trào Cần Vương sau khi ông mất; tài liệu ghi chép của Pháp về Mai Xuân Thưởng và phong trào Cần Vương cũng cần quan tâm nghiên cứu lại; giáo dục truyền thống yêu nước qua tấm gương anh hùng dân tộc Mai Xuân Thưởng cho học sinh trong chương trình giáo dục phổ thông, những chuyến về nguồn,…
Kết luận Hội thảo, cho rằng: Với nhiều nguồn sử liệu được các chuyên gia, nhà nghiên cứu, học giả cung cấp, thảo luận tại Hội thảo, cùng với những phân tích, đánh giá khoa học, logic đã xác định Mai Xuân Thưởng bị giặc Pháp bắt và xử trảm, chứ không phải nộp minh.