Tới dự Tọa đàm có lãnh đạo Viện Sử học (TS. Lê Quang Chắn, Phó Viện trưởng Điều hành Viện Sử học), Trưởng, phó các phòng ban chuyên môn trong Viện Sử học và một số đại diện của các cơ quan bên ngoài: Trường Đại học Sư phạm Hà Nội, Viện Lịch sử quân sự Việt Nam, Nhà xuất bản Giáo dục Việt Nam, Trường Đại học Sư phạm Hà Nội 2, Viện Nhà nước và Pháp luật, Viện Từ điển và Bách khoa thư Việt Nam, đại diện gia đình đồng chí Trần Quý Kiên.
Quang cảnh Tọa đàm
Ban Tổ chức Tọa đàm đã nhận được các báo cáo, tham luận của các nhà khoa học, nhà nghiên cứu đến từ các viện nghiên cứu, các trường đại học và một số cơ quan khác… tập trung vào một số vấn đề, mà các báo cáo đã tham luận tại Tọa đàm như: 1. Quê hương, gia đình nơi xuất thân của đồng chí Trần Quý Kiên (Một số ý kiến về quê hương, gia đình nơi xuất thân của đồng chí Trần Quý Kiên, ThS. Trần Đình Phiên); 2. Về những tình cảm của người con, đại diện gia đình đối với đồng chí Trần Quý Kiên và những hoạt động của ông (Trần Quý Kiên/Đinh Xuân Nhạ/ Dương Văn Ty, nhân sinh quan con người và cách mạng, PGS.TS Trần Thị Tâm); 3. Đồng chí Trần Quý Kiên với những hoạt động cho cách mạng Việt Nam trước năm 1945 (Đồng chí Trần Quý Kiên với cách mạng Việt Nam, PGS.TS Nguyễn Duy Bính); 4. Hoạt động và cống hiến của đồng chí Trần Quý Kiên với vùng đất Sơn La trong giai đoạn từ năm 1933-1947 (ThS. Nguyễn Văn Biểu); 5. Một số hoạt động về tổ chức và xây dựng Đảng của đồng chí Trần Quý Kiên ở khu vực lân cận Hà Nội thời kỳ 1936-1939 (TS. Trương Thị Phương); 6. Đồng chí Trần Quý Kiên, nhà cách mạng tiền bối của Đảng (ThS. Nguyễn Văn Biểu)…
PGS.TS Nguyễn Duy Bính, Trường Đại học Sư phạm Hà Nội báo cáo tại Tọa đàm
Các ý kiến tại Tọa đàm đã khẳng định đồng chí Trần Quý Kiên (Đinh Xuân Nhạ) người chiến sĩ cộng sản kiên trung, tiêu biểu thời kỳ xây dựng Đảng, có nhiều đóng góp cho sự nghiệp giải phóng dân tộc do Đảng lãnh đạo, đứng đầu là Chủ tịch Hồ Chí Minh. Trong suốt cuộc đời hoạt động cách mạng liên tục, đồng chí Trần Quý Kiên luôn nêu cao tinh thần trách nhiệm, giữ vững và phát huy phẩm chất cao đẹp của người đảng viên, nêu tấm gương về đạo đức cách mạng cần, kiệm, liêm, chính, chí công vô tư, tận trung với Đảng, tận lực cống hiến đối với Cách Mạng. Với đồng chí, đồng nghiệp, luôn gần gũi, thân ái, giúp đỡ. Với gia đình hết mực gương mẫu, thương yêu, giáo dục con cái (PGS.TS Trần Thị Tâm). Có ý kiến nhận định “đồng chí Trần Quý Kiên xứng đáng là nhà lãnh đạo tiền bối tiêu biểu” (PGS.TS Nguyễn Duy Bính). Thay mặt Đoàn Chủ tọa hội thảo và cơ quan công tác, ThS. Nguyễn Văn Biểu cảm ơn các tham luận đã trình bày công phu, có báo cáo rất cảm động… Đây mới là những nghiên cứu, tọa đàm thảo luận bước đầu, để sẽ có những hội thảo khác sau này lớn hơn. Qua cuộc Tọa đàm này hi vọng sẽ góp phần vào việc đề xuất với Viện Sử học, cấp trên, các cơ quan chuyên môn khác như Viện Hồ Chí Minh và các lãnh tụ của Đảng với thẩm quyền được giao sẽ có những nghiên cứu, hội thảo ở tầm vóc lớn hơn, để tôn vinh hoạt động và cống hiến của đồng chí Trần Quý Kiên với sự nghiệp cách mạng của Đảng và dân tộc.
PGS.TS Trần Thị Tâm trình bày báo cáo tại Tọa đàm
Phát biểu chỉ đạo Tọa đàm TS Lê Quang Chắn hoan nghênh và đánh giá cao quá trình tổ chức Tọa đàm, dù là ở phạm vi nhỏ nhưng được tiến hành nghiêm túc, thiết thực và đây là hoạt động hết sức ý nghĩa để tôn vinh các nhà lãnh đạo tiền bối của Đảng trong sự nghiệp giải phóng dân tộc.
TS. Lê Quang Chắn, Phó Viện trưởng Điều hành Viện Sử học phát biểu tại Tọa đàm
Đồng chí Trần Quý Kiên (Đinh Xuân Nhạ) sinh năm 1911 tại Hà Nội, mất năm 1965. Ông hoạt động cách mạng từ năm 1929, vào Đảng tháng 5/1930, thuộc thế hệ đảng viên đầu tiên của Đảng, là lớp đảng viên đầu tiên của Thành ủy Hà Nội, hoạt động trong Ban Tuyên truyền xung phong Ban Tuyên huấn Thành ủy (nay là Ban Tuyên giáo Thành ủy Hà Nội). Kể từ khi trở thành người Cộng sản, đồng chí Trần Quý Kiên đã hoạt động cách mạng liên tục, đảm trách những chức vụ cao cấp trong Đảng, là Uỷ viên Thường vụ Xứ uỷ Bắc Kỳ, Bí thư Thành ủy Hà Nội, Bí thư Chiến khu Quang Trung, Bí thư Tỉnh ủy Quảng Yên (nay là Quảng Ninh), Ủy viên Thường vụ Liên Khu ủy Liên khu 3; Trưởng ban Căn cứ địa Việt Bắc, Bí thư Đảng ủy Khối cơ quan Dân - Chính - Đảng Trung ương (nay là Đảng ủy Khối các cơ quan Trung ương), Thứ trưởng - Phó Văn phòng Thủ Tướng phủ… Ở cương vị trách nhiệm nào, đồng chí Trần Quý Kiên cũng hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ, có những cống hiến to lớn cho Đảng và Cách mạng Việt Nam.
Đại diện gia đình đồng chí Trần Quý Kiên phát biểu
Trong quá trình hoạt động cách mạng trước Cách mạng tháng Tám năm 1945, đồng chí Trần Quý Kiên nhiều lần bị địch bắt và giam giữ 11 năm tại nhiều nhà tù khác nhau, như: nhà tù Hoả Lò, nhà tù Sơn La, nhà lao Hải Phòng, nhà lao Bắc Giang… Trong tù, dù bị địch tra tấn, đày ải rất dã man, tàn bạo, đồng chí Trần Quý Kiên vẫn luôn thể hiện bản lĩnh kiên trung và giữ vững khí tiết trước kẻ thù; tích cực tham gia lãnh đạo đấu tranh, góp phần biến nhà tù của địch thành “Trường học đấu tranh cách mạng”.
Đại biểu tham luận tại Hội trường Viện Sử học
TS. Vũ Thị Thu Giang, Trưởng phòng Lịch sử Địa phương và Thế giới phát biểu
Do có công lao to lớn, đặc biệt xuất sắc đóng góp vào sự nghiệp cách mạng của đảng và của dân tộc”, đồng chí Trần Quý Kiên đã vinh dự được Đảng và Nhà nước tặng và truy tặng nhiều phần thưởng cao quý: Huân chương Sao Vàng, Huân chương Hồ Chí Minh. Tên ông đã được đặt tên đường tại quận Cầu Giấy (Thành phố Hà Nội), tại Thành phố Thủ Đức (Thành phố Hồ Chí Minh), tại Huế, Đà Nẵng và một số tỉnh, thành khác.
Tham luận của PGS.TS Trần Thị Tâm và NNC Trần Quyết Chiến
Các đại biểu nghe đại diện gia đình nói về đồng chí Trần Quý Kiên