Viện Sử học tiếp và làm việc với Quỹ Lịch sử Đông Bắc Á

29/04/2024

Viện Sử học-Viện Hàn lâm KHXH Việt Nam và Quỹ Lịch sử Đông Bắc Á (Hàn Quốc) đã có lịch sử quan hệ lâu dài, hai bên đã tổ chức nhiều cuộc viếng thăm và làm việc cùng nhau cũng như tổ chức hội thảo khoa học tại Việt Nam và Hàn Quốc. Trong khuôn khổ hợp tác đã ký kết, hai bên tiếp tục cụ thể hóa và làm sâu sắc thêm mối quan hệ thông qua các diễn đàn khoa học.

Chiều ngày 24 tháng 4 năm 2024 tại Viện Sử học, Ban lãnh đạo Viện Sử học đã tiếp và làm việc với Quỹ Lịch sử Đông Bắc Á (Hàn Quốc). Tham dự buổi tiếp về phía Viện Sử học có TS. Lê Quang Chắn-Phó Viện trưởng điều hành Viện Sử học, TS. Trần Thị Phương Hoa-Phó Chủ tịch Hội đồng Khoa học Viện Sử học, bà Hoàng Thanh Nga-Trưởng phòng Hành chính-Tổng hợp, TS. Lê Thị Thu Hằng-Tổng Biên tập Tạp chí Nghiên cứu Lịch sử, TS. Vũ Thị Thu Giang-Trưởng phòng nghiên cứu Lịch sử Địa phương và Thế giới, TS. Ngô Vũ Hải Hằng-Phó Trưởng phòng Phòng Nghiên cứu Lịch sử Việt Nam Cổ trung đại, ThS. Đỗ Xuân Trường-Phó Trưởng phòng Phòng Nghiên cứu Lịch sử Việt Nam Cận đại, ThS. Phạm Thị Quế Liên-Phó trưởng phòng Hành chính-Tổng hợp,… Về phía Quỹ Sử học Đông Bắc Á có: TS. Jihyang Park - Chủ tịch Quỹ Lịch sử Đông Bắc Á, TS. Youn Soo Cho - Trưởng ban Quan hệ Quốc tế; Ông Sang-gu Nam - Trưởng ban Ban Nghiên cứu và Chính sách - Giám đốc quản lý dự án; Ông Chang Wook Lee-Nghiên cứu viên Viện Quan hệ Quốc tế-Thư ký Đoàn.   

 Buổi sáng cùng ngày, lãnh đạo hai bên đã ký biên bản ghi nhớ hợp tác nghiên cứu và trao đổi hoạt động khoa học của hai bên. Trong khuôn khổ tiếp đón buổi chiều, Viện Sử học và Quỹ Sử học Đông Bắc Á sẽ thảo luận cụ thể hơn về các nội dung và chương trình nghiên cứu và hướng tới xuất bản các ấn phẩm khoa học.   

Một số chủ đề được Quỹ Sử học Đông Bắc Á gợi mở như: 1. So sánh lịch sử Việt Nam và Hàn Quốc mỗi khi có triều đại ở Trung Quốc thay đổi, qua đó thấy được vai trò quan trọng của Việt Nam và Hàn Quốc; 2. Trật tự thế giới trong thời Cận đại và Hiện đại (Việt Nam và Hàn Quốc có chung lịch sử bị xâm chiếm. Hàn Quốc bị Nhật Bản xâm chiếm, còn Việt Nam bị các nước phương Tây xâm chiếm); 3. Trong thời hiện đại, khi giành độc lập, Việt Nam và Hán Quốc đã thực hiện chính sách mở cửa.     

Về phía Viện Sử học, TS. Lê Quang Chắn cho rằng, trước đây hai bên vẫn chủ yếu tổ chức các hội thảo khoa học, đến nay, chúng ta vẫn tiếp tục duy trì hình thức này. Tuy nhiên, để đa dạng hóa các hình thức hợp tác, chúng tôi đề xuất biên tập, xuất bản các công trình nghiên cứu sau khi hội thảo thành công; chọn lọc các bài viết để công bố trên các tạp chí tại Việt Nam và Hàn Quốc, đây là cơ sở để xã hội hóa các kết quả nghiên cứu, đồng thời trao đổi thông tin, trao đổi chuyên gia, đào tạo nguồn nhân lực. Trong năm 2024, hai bên chọn một chủ đề để tổ chức hội thảo khoa học quốc tế,…

Phía Hàn Quốc đã nhất trí với các gợi mở của TS. Lê Quang Chắn, đồng thời mở rộng thêm đối tượng để so sánh như: quan hệ Việt Nam - Pháp; quan hệ Hàn Quốc - Nhật Bản,...

Ngoài ra, Viện Sử học còn trao đổi và thảo luận với Quỹ Sử học Đông Bắc Á kế hoạch hoạt động đến năm 2029.

Trước mắt trong năm 2024, Viện Sử học và Quỹ Sử học Đông Bắc Á tập trung chuẩn bị tổ chức Hội thảo trao đổi khoa học giữa hai bên tại Hàn Quốc.


P.V


Xem tin phát hành ngày:

CỔNG THÔNG TIN ĐIỆN TỬ VIỆN SỬ HỌC - VIỆN HÀN LÂM KHOA HỌC XÃ HỘI VIỆT NAM

Bản quyền thuộc về Viện Sử Học
Copyright 2023- Viện Sử Học
Địa chỉ: Số 38, phố Hàng Chuối, Phạm Đình Hổ, Hai Bà Trưng, Hà Nội.
Điện thoại: (024)39713200
Email: viensuhoc@vass.gov.vn