Hội thảo khoa học khởi nghĩa Lý Bí và sự thành lập nhà nước Vạn Xuân

06/10/2024

Cuộc khởi nghĩa do Lý Bí lãnh đạo chống lại nhà ách đô hộ nhà Lương nổ ra vào đầu năm 542 và giành được thắng lợi vang dội. Lý Bí xưng Đế hiệu (Lý Nam Đế) vào năm 544, đặt niên hiệu Thiên Đức, dựng nước Vạn Xuân. Đây là lần đầu tiên trong lịch sử Việt Nam, có một nhân vật xưng Đế hiệu, thể hiện sự tự chủ, độc lập của quốc gia, đối sáng ngang hàng với các vị hoàng đế phương Bắc,…

Ngày 30 tháng 9 năm 2024 tại Viện Sử học, số 38 phố Hàng Chuối, Hà Nội, Viện Sử học, Viện Hàn lâm KHXH Việt Nam đã tổ chức Hội thảo khoa học: “Khởi nghĩa Lý Bí và sự thành lập Nhà nước Vạn Xuân (542-544)”.  


Ban Tổ chức đã nhận được 21 tham luận của các tác giả đến từ Viện Sử học, Viện Nghiên cứu Tôn giáo (Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam), Trường Đại học Khoa học xã hội và Nhân văn, Viện Việt Nam học và Khoa học phát triển (Đại học Quốc gia Hà Nội), Trường Đại học Đại Nam, Trường Đại học Sư phạm Hà Nội, Trường Đại học Văn hóa Hà Nội... Trên cơ sở đó, nội dung Hội thảo chia thành 4 chủ đề sau:

Chủ đề thứ nhất: Lý Bí và khởi nghĩa Lý Bí: Có 5 bài tham luận là: Gia thế, thời đại tác động đến sự nghiệp chính trị của Lý Bí (TS. Đinh Thị Hải Đường); Chân dung Lý Bí - Lý Nam Đế qua các tư liệu lịch sử (TS. Bùi Văn Huỳnh); Khởi nghĩa Lý Bí trong thư tịch cổ Trung Quốc (TS. Nguyễn Quốc Sinh, ThS. Phạm Lê Trung); Sự nghiệp đấu tranh chống ngoại xâm của Lý Bí (TS. Nguyễn Văn Bảo); Vùng đất Hoài Đức, Hà Nội trong cuộc khởi nghĩa Lý Bí (TS. Đỗ Danh Huấn).


Chủ đề thứ hai: Nhà nước Vạn Xuân: có 4 bài viết: Nhà nước Vạn Xuân thời Tiền Lý (TS. Lê Thùy Linh); Cuộc kháng chiến chống ngoại xâm của nhà Tiền Lý (TS. Đặng Ngọc Hà); Động Khuất Lão (tỉnh Phú Thọ) trong cuộc kháng chiến chống quân Lương xâm lược (TS. Trịnh Thị Hà); Phật giáo - bệ đỡ tư tưởng thời Tiền Lý (PGS. TS. Vũ Duy Mền).  

Chủ đề thứ ba: Một số nhân vật có đóng góp lớn cho khởi nghĩa Lý Bí và Nhà nước Vạn Xuân: Có 6 bài tham luận: Tinh Thiều với khởi nghĩa Lý Bí và nhà nước Vạn Xuân (TS. Nguyễn Hữu Tâm); Danh tướng Phạm Tu (ThS. Mai Thị Huyền); Danh tướng Triệu Túc (ThS. Nguyễn Thị Thu Hương); Về nhân vật tướng quân Lý Phục Man qua các bản sắc phong tại đình Phương Bảng - huyện Hoài Đức - TP Hà Nội (TS. Nguyễn Thị Hải); Triệu Việt Vương với sự nghiệp dựng nước và giữ nước (TS. Phan Đăng Thuận); Xung đột giữa Triệu Quang Phục và Lý Phật Tử: Sự chấm dứt của nhà nước Vạn Xuân (TS. Ngô Vũ Hải Hằng).


Chủ đề thứ tư: Vai trò, ý nghĩa của khởi nghĩa Lý Bí và Nhà nước Vạn Xuân trong lịch sử đấu tranh dựng nước và giữ nước của Việt Nam, có 6 tham luận: Ý nghĩa của sự kiện Lý Bí xưng Đế hiệu (PGS. TS. Nguyễn Minh Tường); Vị trí của cuộc khởi nghĩa Lý Bí trong phong trào đấu tranh chống Bắc thuộc (TS. Bùi Thị Bích Ngọc); Nhà nước Vạn Xuân trong tiến trình lịch sử dân tộc (PGS. TS. Nguyễn Đức Nhuệ); Phật giáo thế kỷ VI trong dòng chảy lịch sử Phật giáo ở Việt Nam thời Bắc thuộc và đấu tranh chống Bắc thuộc (TS. Nguyễn Văn Quý); Những hình thức tôn vinh gắn với Lý Nam Đế (TS. Lê Quang Chắn); Khởi nghĩa Lý Bí và nhà nước Vạn Xuân trong chương trình giáo dục phổ thông môn lịch sử (TS. Nguyễn Thị Thu Thủy).   


Tại hội thảo, đã có 9 báo báo được trình bày, và nhiều ý kiến thảo luận được nêu lên, trong đó tập trung vào các ý sau:  

Thứ nhất, đánh giá, khẳng định sự nghiệp to lớn của Lý Nam Đế trong tiến trình lịch sử Việt Nam, đặc biệt nêu bật lên ý nghĩa lịch sử của cuộc khởi nghĩa do Lý Bí lãnh đạo, đập tan ách đô hộ của nhà Lương năm 542. Sau khi cuộc khởi nghĩa giành thắng lợi, cùng với việc tổ chức kháng chiến chống quân xâm lược phương Bắc, đánh bại quân Lâm Ấp ở phía Nam, năm 544, Lý Bí lên ngôi Hoàng đế, lập nước Vạn Xuân, đặt niên hiệu Thiên Đức, xếp đặt triều nghi hai ban văn võ, lập điện Vạn Thọ/Vạn Xuân làm nơi triều hội, bước đầu xác lập một mô hình nhà nước quân chủ sơ khai. Một số tham luận đã trình bày toàn bộ quá trình hình thành và suy vong của triều đại Vạn Xuân, trong đó nhấn mạnh đến vai trò khai sinh Nhà nước Vạn Xuân của Lý Nam Đế, sự kế tục xuất sắc sự nghiệp chống ngoại xâm của Triệu Việt Vương và đề cập đôi nét về nhà nước Vạn Xuân thời kỳ Hậu Lý Nam Đế (Lý Phật Tử),...      


Thứ hai, cuộc khởi nghĩa chống lại ách đô hộ của nhà Lương do Lý Bí lãnh đạo năm 542 đã chọn địa bàn huyện Hoài Đức ngày nay làm trung tâm quy tụ lực lượng, trung tâm khởi phát cuộc khởi nghĩa, đánh giá vị trí địa chiến lược của vùng đất, các tác giả đi sâu phân tích yếu tố nhân hoà, yếu tố sức mạnh quần chúng cũng như sự đồng lòng hưởng ứng của người dân địa phương quy tụ dưới ngọn cờ nghĩa của Lý Bí làm nên sự thành công của cuộc khởi nghĩa.  


Thứ ba, trong các bộ chính sử của Việt Nam, cuộc khởi nghĩa do Lý Bí lãnh đạo giành thắng lợi, lập nên nước Vạn Xuân (năm 544) được ghi chép đôi dòng ngắn ngủi, do đó toàn bộ diễn biến của cuộc khởi nghĩa, gia thế xuất thân, quê hương của Đức Vua Lý Nam Đế vẫn còn nhiều điều chưa được sáng tỏ.

Thứ tư, một số tham luận của các tác giả dưới nhiều góc nhìn khác nhau, đã phân tích đánh giá ý nghĩa lịch sử của cuộc khởi nghĩa Lý Bí, sự tôn vinh của hậu thế đối với Lý Nam Đế cũng như các danh tướng của cuộc khởi nghĩa, của nhà nước Vạn Xuân.   


Từ nhiều nghiên cứu trước đây được công bố trong các cuộc Hội thảo khoa học từ năm 2012 đến đầu năm 2024 đã khẳng định mối quan hệ mật thiết giữa ba địa phương: Tiên Phong - Phổ Yên (nơi sinh Đức Vua Lý Nam Đế), Giang Xá - Hoài Đức (quê hương thứ hai và cũng là nơi Ngài dựng cờ khởi nghĩa) và Văn Lương - Tam Nông (nơi an táng Ngài) có mối liên hệ với nhau rất mật thiết. Cuộc Hội thảo này có ý nghĩa như tổng kết lại những kết quả đã nghiên cứu được thể hiện qua các cuộc Hội thảo kể trên, thiết thực kỷ niệm 1.480 Khởi nghĩa Lý Bí và sự ra đời của nhà nước Vạn Xuân (544-2024).   




P.V


Xem tin phát hành ngày:

CỔNG THÔNG TIN ĐIỆN TỬ VIỆN SỬ HỌC - VIỆN HÀN LÂM KHOA HỌC XÃ HỘI VIỆT NAM

Bản quyền thuộc về Viện Sử Học
Copyright 2023- Viện Sử Học
Địa chỉ: Số 38, phố Hàng Chuối, Phạm Đình Hổ, Hai Bà Trưng, Hà Nội.
Điện thoại: (024)39713200
Email: viensuhoc@vass.gov.vn