Hội thảo khoa học: Thống Sặt (Đề Sặt), làng Sặt với Phong trào Nông dân Yên Thế

22/06/2024

Ngày 20-6-2024 tại huyện Tân Yên, tỉnh Bắc Giang, Viện Sử học và Sở Văn hóa Thể thao và Du lịch tỉnh Bắc Giang đã tổ chức Hội thảo khoa học: Thống Sặt (Đề Sặt), làng Sặt với Phong trào Nông dân Yên Thế. Xung quanh cái chết của Lương Văn Nắm, còn gọi là Đề Năm và mối quan hệ giữa Đề Sặt và Đề Nắm còn tồn tại một số tình tiết chưa rõ ràng. Do đó, Hội thảo nhằm mục đích nhận thức rõ về cái chết của Đề Nắm và quan hệ giữa hai nhân vật này.

Ngày 20 tháng 6 năm 2024 tại huyện Tân Yên, tỉnh Bắc Giang, Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh Bắc Giang, phối hợp với Viện Sử học, Viện Hàn lâm KHXH Việt Nam, tổ chức Hội thảo khoa học: “Thống Sặt (Đề Sặt), làng Sặt với phong trào nông dân Yên Thế”.

Ban Tổ chức Hội thảo đã nhận được 17 tham luận của các nhà khoa học gửi đến từ các cơ quan như: Viện Sử học (Viện Hàn lâm KHXH Việt Nam); Trường Đại học KHXH & NV (Đại học Quốc gia Hà Nội); Đại học Sư phạm Hà Nội; của các nhà quản lý, các nhà nghiên cứu tỉnh Bắc Giang; của dòng họ Đỗ, hậu duệ của Đề Sặt (Đỗ Văn Hùng),...       

Nội dung các tham luận tập trung vào các khía cạnh chính sau: 1/ Vị trí, vai trò của Làng Sặt với tư cách là một làng chiến đấu kiên cường bất khuất trong phong trào nông dân Yên Thế, cuối thế kỷ XIX đầu thế kỷ XX. Gắn với làng Sặt là những thủ lĩnh như Đỗ Văn Hùng (Đề Sặt, Thống Sặt), Trần Đức Thăng (Trần Lâm - Đề Lâm), Trần Đình Lành (Đốc Lành), Nguyễn Văn My (Đốc My), Trần Văn Duệ (Đề Sắt)…; 2/ Tìm hiểu về Thống Sặt/Đề Sặt và mối quan hệ của ông với Đề Nắm; làm rõ tồn nghi về cái chết của Đề Nắm.         

Đã có 7 tham luận được trình bày tại Hội thảo, cụ thể: Tìm hiểu thêm về Đề Sặt và căn cứ làng Sặt trong khởi nghĩa Yên Thế (GS.TS. Đỗ Quang Hưng); Đề Nắm, Đề Sặt trong phong trào Yên Thế: qua phân tích, đối sánh tư liệu (TS. Trần Xuân Trí); Khởi nghĩa Yên Thế và cái chết của Đề Nắm trong tài liệu tiếng Pháp (TS. Trần Thị Phương Hoa); Phương pháp xử lý tư liệu dân gian khi nghiên cứu về Khởi nghĩa Yên Thế (Nghiên cứu trường hợp Đề Sặt và Đề Nắm) (PGS.TS. Nguyễn Đức Nhuệ); Đánh giá về thống Sặt trong khởi nghĩa Yên Thế (NNC. Trần Văn Lạng); Thống Sặt, Đề Sặt, Đề Nắm và khởi nghĩa Yên Thế qua nghiên cứu của các nhà sử học Việt Nam (TS. Nguyễn Thị Lệ Hà); Thêm tư liệu về làng Sặt trong phong trào nông dân Yên Thế (TS. Bùi Thị Hà).  

Bên cạnh đó, Hội thảo cũng có một số ý kiến đã được nêu lên như: Không nên gọi là phong trào nông dân Yên Thế, vì gọi như vậy sẽ được hiểu ở cấp độ thấp hơn so với phong trào khởi nghĩa Yên Thế; những ghi chép của người Pháp về cái chết của Đề Sặt như thế nào, so sánh với thực tế và các nghiên cứu từ phía Việt Nam; nêu rõ vai trò và công lao của Đề Sặt với nhân dân làng Sặt với cuộc khởi nghĩa Yên Thế,...        

Dưới đây là một số hình ảnh của Hội thảo:













Đ.D.H


Xem tin phát hành ngày:

CỔNG THÔNG TIN ĐIỆN TỬ VIỆN SỬ HỌC - VIỆN HÀN LÂM KHOA HỌC XÃ HỘI VIỆT NAM

Bản quyền thuộc về Viện Sử Học
Copyright 2023- Viện Sử Học
Địa chỉ: Số 38, phố Hàng Chuối, Phạm Đình Hổ, Hai Bà Trưng, Hà Nội.
Điện thoại: (024)39713200
Email: viensuhoc@vass.gov.vn